Trong nền kinh tế thị trường, dòng tiền luôn chuyển động, “chảy” đến những lĩnh vực sinh ra lợi nhuận tối đa. Dễ thấy văn hóa không phải là nơi có tỷ suất lợi nhuận cao, khó đoán định được doanh thu. Chỉ một số lĩnh vực mũi nhọn của công nghiệp văn hóa là có dư địa thu hút đầu tư như: Điện ảnh, du lịch văn hóa, phần mềm và các trò chơi giải trí... Ngay cả khi không đặt nặng vấn đề lời lãi, các “mạnh thường quân” vẫn không tìm thấy lý do đích đáng để rót tiền vào văn hóa, bởi họ không được hưởng ưu đãi nào khi tài trợ, hiến tặng so với các hoạt động từ thiện...
 |
Ảnh minh họa: TTXVN |
Những vướng mắc này cần sớm được tháo gỡ thông qua hoàn thiện hành lang pháp lý, quy định cụ thể, tạo động lực ra đời các loại quỹ dùng hỗ trợ văn hóa, đặc biệt là hình thức quỹ tín thác. Nếu ví von dòng tiền như dòng nước, thuận tự nhiên chỉ chảy vào chỗ trũng thì khối công việc về thể chế, chính sách chính là khơi thông dòng tiền, dẫn về lĩnh vực văn hóa với những ưu đãi hấp dẫn.
Từ kinh nghiệm ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc ra đời các quỹ hỗ trợ văn hóa cần bảo đảm tính độc lập nhất định với cơ quan quản lý nhà nước, chí ít, những người phê duyệt đầu tư phải có uy tín chuyên môn và không làm công tác quản lý, để không sa vào cơ chế xin-cho quan liêu bao cấp. Đồng thời, quỹ hỗ trợ văn hóa cần có cơ chế giám sát giữa 3 bên: Các chủ đầu tư, kiểm soát quỹ và bên thụ hưởng theo hình thức tín thác. Điều này bảo đảm cung cấp tài chính ổn định, minh bạch cho các hoạt động văn hóa; tránh tình trạng chủ đầu tư thua lỗ, muốn rút vốn quỹ hoặc bên thụ hưởng sử dụng không đúng mục đích đã thỏa thuận, không làm báo cáo tài chính, báo cáo tiến độ triển khai.
Chủ trương thành lập quỹ hỗ trợ văn hóa luôn được cơ quan chức năng ủng hộ, thậm chí trong Luật Điện ảnh năm 2022 còn dành hẳn 3 điều liên quan đến Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh. Nhưng quỹ này vẫn nằm trên giấy vì thiếu quy định huy động vốn, thiếu mô hình vận hành. Cho nên muốn thu hút, thay đổi thói quen, nhìn nhận của xã hội, các tổ chức, cá nhân làm văn hóa cần năng động, sáng tạo, biết cách xây dựng và khai thác thương hiệu, phát triển công chúng. Đặc biệt, quảng bá mục đích của các dự án, chương trình văn hóa là vì người dân, vì cộng đồng, có tính chất phi lợi nhuận, không khác bản chất của hoạt động từ thiện.
Kể từ sau Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11-2021 với những chỉ đạo sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vị trí và vai trò của văn hóa đã được nâng lên, đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Đã có những hành động thiết thực trên cơ sở xác định đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững đất nước. Bên cạnh sử dụng đúng, trúng, hiệu quả “vốn mồi” quý giá từ ngân sách, huy động nguồn lực xã hội hóa, trong đó, nuôi dưỡng bền bỉ quỹ hỗ trợ văn hóa là con đường đúng đắn để chủ trương phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam là sự nghiệp của toàn dân đi vào cuộc sống.
HÀM ĐAN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.