Khắc ghi lời dạy của Bác, từ những số báo đầu tiên, cho đến nay, Báo Quân đội nhân dân luôn bám sát thực tiễn để tuyên truyền, phản ánh những điều thiết thực nhất về hoạt động của bộ đội và thực tiễn đời sống xã hội...
Các nhà báo đang tác nghiệp. Ảnh: TTXVN
Tương tự, trong khoảng hơn 800 cơ quan báo chí cả nước hiện nay, phần lớn đều đã quán triệt, thực hiện tốt lời dạy “Nói những điều thật thiết thực, đúng đường lối chính trị...” của Bác Hồ trong quá trình hoạt động tuyên truyền. Nhờ phản ánh được những điều “thật thiết thực” nên báo giới đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thực sự là mũi xung kích trong cuộc chiến chống tiêu cực; là lực lượng nòng cốt giúp nhân lên cái tốt, cái hay, cái đẹp trong đời sống hiện thực. Thế nhưng, vẫn còn đó một thực tế đáng buồn, là không ít trường hợp báo chí “vô tình hay hữu ý” gây ra những hoang mang, lo lắng, bức xúc cho quần chúng và xã hội. Đó là những vụ việc đưa tin, tuyên truyền thiên lệch về phản ánh mặt trái, tiêu cực, phản ánh thực tế một cách trần trụi, chạy theo thị hiếu tầm thường, xâm phạm đời tư cá nhân, trái với truyền thống văn hóa dân tộc, thiếu nhạy cảm và nhãn quan chính trị… đã gây ra nhiều hệ lụy, tác hại ở nhiều mức độ khác nhau; thậm chí còn ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, đất nước và gây phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Dẫn ra những ví dụ nêu trên để thấy rõ hơn một nguyên tắc “bất di bất dịch” trong hoạt động của nhà báo là phải luôn tự hỏi: Viết cái gì? Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?... Đây không chỉ là câu hỏi đặt ra đối với riêng ai mà là nguyên tắc cơ bản của báo chí cách mạng. Theo đó, giữa vô vàn sự kiện diễn ra khách quan hằng ngày, chọn sự kiện nào để thông tin, thông tin ở mức độ nào, bằng hình thức nào, vào thời điểm nào... không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội, bản lĩnh nghề nghiệp của người làm báo mà còn thể hiện đẳng cấp, thương hiệu của mỗi tờ báo. Thế nhưng, việc lựa chọn, quyết định để “Nói những điều thật thiết thực...” không phải là chuyện đơn giản. Để làm được điều đó, điều kiện tiên quyết hàng đầu phụ thuộc vào bản lĩnh, trình độ và tài năng của tập thể ban lãnh đạo và người đứng đầu cơ quan báo chí.
Báo chí cách mạng ở thời nào cũng vậy, luôn có tính mục đích và không tách rời lợi ích quốc gia, dân tộc. Mỗi nhà báo, phóng viên nếu ý thức rõ ràng trách nhiệm trước công chúng, trước cộng đồng, trước Đảng và dân tộc thì chắc chắn sẽ sáng suốt lựa chọn, phản ánh những thông tin “thật thiết thực” và đúng đường lối chính trị, để sáng tạo nên những tác phẩm báo chí có ích cho cộng đồng và quốc gia, dân tộc.
NGUYỄN TẤN TUÂN