Bởi thực tế, chất lượng nguồn nhân lực tay nghề cao ở ta hiện chưa đáp ứng được sự phát triển và đòi hỏi của doanh nghiệp. Suy nghĩ này cũng là nỗi lo chung của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực CNPT hiện nay.
CNPT là ngành công nghiệp sản xuất thiết bị, vật liệu, linh kiện đòi hỏi trình độ khoa học công nghệ và mang tính chuyên môn hóa cao. Đối với nhiều nước, CNPT được xem là “mắt xích” quan trọng trong sản xuất hàng hóa, trong phát triển nền kinh tế. Nói cách khác, CNPT được xem là mũi nhọn, là nơi thu hút lao động, là cơ sở, nền tảng góp phần xây dựng nguồn lực lao động chất lượng cao cho xã hội. CNPT có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia, nó trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa.
Ảnh minh họa/nguồn internet.
Ở Việt Nam, CNPT ở Việt Nam còn khá mới mẻ, phát triển chưa đồng đều, chưa nhanh, chất lượng hạn chế. Nguyên nhân có nhiều, nhưng theo phân tích của nhiều chuyên gia là do trình độ lực lượng lao động ở Việt Nam còn thấp nên sản phẩm làm ra chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất công nghệ hiện đại. Bằng chứng là, theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam năm 2015 ở vị trí thấp ASEAN, chỉ cao hơn Myanmar và Campuchia. Đây là số liệu thống kê chung, nhưng cũng phản ánh cả trong lĩnh vực CNPT.
Trong mục tiêu phát triển CNPT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương xác định: Năm 2020, sản phẩm CNPT sẽ đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất (đến năm 2030, tỷ lệ này là 70%) tiêu dùng nội địa, xuất khẩu 25% giá trị sản xuất công nghiệp. Để thực hiện mục tiêu này, rõ ràng, chúng ta phải có nguồn nhân lực có chất lượng cao thì mới tạo ra năng suất lao động vượt trội.
Việt Nam có số người trong độ tuổi lao động trên tổng dân số chiếm tỷ lệ 75,2% là nước đang ở giai đoạn dân số vàng, nhưng số lao động qua đào tạo có bằng chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm tỷ lệ chỉ 17,9% (nông thôn 11,2%). Cho thấy, chất lượng nhân lực ở nước ta còn thấp, cơ cấu lao động bất hợp lý, đang mất sức cạnh tranh trên thị trường lao động, cần sớm có những giải pháp tháo gỡ.
Thiết nghĩ, để công nghiệp Việt Nam nói chung và CNPT nói riêng phát triển, ngoài quyết liệt thực hiện các giải pháp ở tầm vĩ mô thì vấn đề định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là rất quan trọng.
Cụ thể là, cần thay đổi tư duy, chuyển đổi từ khả năng hệ thống sang đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Tiếp đó, cần xây dựng các tiêu chí chất lượng và hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về năng lực nghề nghiệp hội nhập quốc tế. Ngành chức năng cũng cần rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới các trường cao đẳng, đại học, điều chỉnh chiến lược đào tạo nghề, cơ cấu lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề dài hạn có sự phân tầng chất lượng, ưu tiên đào tạo những nghề mũi nhọn. Biện pháp quan trọng là đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho các ngành kinh tế mũi nhọn với gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp; có chính sách hỗ trợ công tác giáo dục nghề nghiệp theo hướng khuyến khích người học, người dạy và người sử dụng lao động công nhân có tay nghề. Ngoài ra, cần xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn quốc gia với cơ cấu hợp lý, tăng thời gian cho giáo viên trải nghiệm thực tế, thu hút người giỏi có tay nghề cao tham gia dạy nghề…
Phát triển CNPT là một phần quan trọng trong phát triển nền công nghiệp Việt Nam và vấn đề mấu chốt của lĩnh vực này là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực hiện một số nội dung trên sẽ góp phần tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn cầu.
PHÚC THẮNG