Điển hình, việc giải quyết hồ sơ tồn đọng là một việc khó, thậm chí là rất khó, đã tồn đọng suốt nhiều năm qua, là sự trăn trở, day dứt, mong mỏi… không chỉ của NCC, thân nhân, gia đình NCC, mà cả những người làm công tác chính sách. Nhưng gần đây, ngành lao động-thương binh-xã hội (LĐ-TB-XH) đã có giải pháp mang tính đột phá, với cách làm khoa học, chặt chẽ, đặc biệt là phát huy dân chủ, công khai qua tất cả các bước, các khâu từ cơ sở đến Trung ương. Nhiều NCC và thân nhân NCC đã không kìm được nước mắt xúc động trào dâng, khi ngày 18-7 vừa qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ LĐ-TB-XH đã trao bằng Tổ quốc ghi công truy tặng 498 liệt sĩ, trong đó hơn 90 đồng chí hy sinh từ thời kỳ chống Pháp. Kết quả và thành công này là cơ sở để ngành LĐ-TB-XH đặt mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành căn bản việc giải quyết tồn đọng sau chiến tranh. Dịp này, các địa phương, các ngành cũng xác nhận hơn 2.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
Đại tá, PGS, TS Nguyễn Viết Lượng, Phó chính ủy Học viện Quân y (giữa) cắt băng bàn giao nhà tình nghĩa cho ông Trần Nam Tiến huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Vương Thúy
Việc hỗ trợ NCC có khó khăn về nhà ở theo Quyết định 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là một chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhưng khi triển khai thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, do số đối tượng NCC trong diện cần hỗ trợ quá lớn, trong khi ngân sách Trung ương, địa phương còn hạn hẹp. Vậy nhưng, không ít địa phương, tuy điều kiện kinh tế còn khó khăn, số lượng NCC cần hỗ trợ về nhà ở đông, nhưng đã chủ động, sáng tạo, không “ngồi chờ” ngân sách Trung ương; huy động nhiều nguồn lực và sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng; đã hoàn thành hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà xuống cấp cho hàng chục nghìn gia đình NCC xong trước tháng 7-2017.
Đáng trân trọng hơn, tuy mức kinh phí hỗ trợ không nhiều nhưng với tấm lòng “đền ơn đáp nghĩa”, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng lo, cùng làm”; cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, bà con họ hàng, lối xóm… cùng chung tay góp công, góp của, nên nhiều gia đình NCC đã có nhà cửa khang trang và còn được tặng nhiều đồ dùng sinh hoạt thiết yếu.
Đến thời điểm này, cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã xây dựng "Nhà tình nghĩa", "Nhà đồng đội", “Ngôi nhà 100 đồng”, "Mái ấm tình thương"…; đóng góp, ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho NCC, đối tượng chính sách… nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày TB-LS, với số lượng vượt nhiều so với kế hoạch ban đầu.
Không chỉ đơn thuần là những con số ấn tượng, qua các hoạt động, nghĩa cử tri ân thiết thực, nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị và toàn xã hội đối với công tác “đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc NCC thực sự có chuyển biến rõ nét. Đặc biệt, qua các hoạt động nghĩa tình, “cái được” lớn nhất là “ý Đảng, lòng dân thêm đồng thuận”, tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết quân dân thêm gắn kết; NCC thêm phấn khởi, tin tưởng; thế hệ hôm nay thêm hiểu và tự hào về những cống hiến, hy sinh to lớn của cha anh, thêm trân quý giá trị của hòa bình, độc lập tự do.
Chăm lo NCC là vinh dự, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị-xã hội và của mỗi người, của thế hệ hôm nay và mai sau. Công tác này cần tiếp tục được thực hiện với nghĩa tình và trách nhiệm cao hơn, khẩn trương hơn, bởi nhiều đối tượng NCC đã tuổi cao, sức yếu.
Rất đáng trân trọng khi nhiều công trình, phần việc ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày TB-LS đã được các bộ, ngành, địa phương, đơn vị và toàn xã hội triển khai thực hiện với tất cả trách nhiệm, nghĩa tình, đạt hiệu quả thiết thực. Tin tưởng rằng, từ đây, Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và các tập thể, cá nhân tiêu biểu làm tốt công tác chính sách, chăm lo NCC sẽ tiếp tục được nhân rộng, lan tỏa, làm sáng đẹp thêm tinh thần hiếu nghĩa, bác ái và truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
ANH QUÂN