Hương ước quy định cụ thể trách nhiệm, hành vi của người dân trong bảo vệ rừng và tài nguyên rừng, như: Không được mang lửa vào rừng; không được chặt phá cây rừng, săn bắn thú rừng; không đóng đinh, đóng cọc vào cây... Nếu gia đình có người vi phạm thì phải kiểm điểm trước cộng đồng và không được xét ưu tiên khai thác lâm sản phụ dưới tán rừng; nếu vi phạm nghiêm trọng thì báo lên chính quyền xã và cơ quan chức năng để xử lý nghiêm.
Thực tế cho thấy, hương ước giữ rừng đã góp phần khắc phục được hạn chế, bất cập trong công tác bảo vệ rừng hiện nay, nhất là trong điều kiện lực lượng bảo vệ rừng mỏng, thiếu phương tiện, công cụ hỗ trợ, trong khi đó, thủ đoạn của các đối tượng lâm tặc ngày càng tinh vi, manh động, liều lĩnh. Hương ước giữ rừng không chỉ góp phần giúp người dân có sinh kế, nguồn lợi từ rừng để tăng thu nhập mà còn nâng cao ý thức bảo vệ rừng.
 |
Hương ước giữ rừng quy định cụ thể trách nhiệm, hành vi của người dân trong bảo vệ rừng và tài nguyên rừng. Ảnh minh họa: TTXVN
|
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, rừng ở nước ta vẫn đang ngày đêm bị tàn phá với chiều hướng gia tăng, rất đáng lo ngại. Diện tích rừng bị thiệt hại trong quý II-2023 là 913,4ha, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước và tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 1.168ha rừng bị thiệt hại, tăng 92,8% so với cùng kỳ năm trước. Thực trạng đáng buồn nêu trên càng chứng minh cách giữ rừng của xã Kon Gang và xã Ia Pếch bằng hương ước là rất sáng tạo, hiệu quả, cần được phát huy, nhân rộng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò, sức mạnh của nhân dân, theo Người: "Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được... Việc gì có quần chúng tham gia bàn bạc, khó mấy cũng trở nên dễ dàng và làm được tốt". Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ rõ: Thực hành và phát huy rộng rãi quyền làm chủ của nhân dân và vai trò chủ thể của nhân dân, thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Từ lời dạy của Bác Hồ, từ cơ sở lý luận và câu chuyện giữ rừng bằng hương ước của hai xã Kon Gang và Ia Pếch, thiết nghĩ, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần nhân rộng mô hình này, bởi hiện nay, trước yêu cầu tăng cường tính tự quản và sự đồng thuận trong xã hội thì luật tục, hương ước của cộng đồng đang có tác động to lớn trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng.
NGUYỄN ANH SƠN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.