Xã Quảng Sơn, huyện Đắc G’long (Đắc Nông), nơi Đoàn KTQP Quảng Sơn làm nhiệm vụ, là địa bàn xảy ra nhiều điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm, mua bán đất lâm nghiệp trái phép. Thượng tá Trịnh Quang Lâm, Đoàn trưởng Đoàn KTQP Quảng Sơn cho biết: “Toàn bộ diện tích rừng đơn vị quản lý bảo vệ từ năm 2019 đến nay không xảy ra vụ vi phạm pháp luật nào phải xử lý!”.

Được biết, từ năm 2001, Đoàn KTQP Quảng Sơn được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ gần 7.000ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có 5.740ha rừng tự nhiên. Ở địa bàn có vị trí trọng yếu về quốc phòng nên rừng do Đoàn KTQP Quảng Sơn bảo vệ không chỉ có vai trò về môi trường sinh thái mà tài nguyên rừng ở khu vực này còn bảo đảm cho thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ.

Chính vì vậy, từ năm 2001 đến nay, Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 15 và cấp ủy, chỉ huy Đoàn KTQP Quảng Sơn tập trung lãnh đạo thực hiện song hành hai nhiệm vụ: Huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức định canh, định cư, ổn định đời sống cho 508 hộ, với 2.101 nhân khẩu trong vùng dự án gồm thôn 4, thôn 5, thôn Đắc Snao và thôn Đắc Snao 2 của xã Quảng Sơn; triển khai lực lượng bảo vệ, phát triển bền vững 5.740ha rừng tự nhiên.

leftcenterrightdel
Bộ đội Đoàn Kinh tế-Quốc phòng Quảng Sơn phối hợp cùng các lực lượng tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng Quảng Sơn. 

Những năm đầu triển khai nhiệm vụ, diện tích rừng do Đoàn KTQP Quảng Sơn quản lý chịu nhiều áp lực. Bởi lâm phần của đơn vị phân bố trên địa bàn rộng, thuộc địa giới hành chính của 3 xã, gồm Quảng Sơn, Đắc R’măng (huyện Đắc G’long) và Quảng Phú (huyện Krông Nô, tỉnh Đắc Nông), với hàng trăm hộ dân có nương rẫy, nhà ở gần rừng và xâm canh trong rừng. Có thời điểm diện tích rừng do đơn vị quản lý bị lấn chiếm lên đến hàng chục héc-ta.

"Đơn vị làm thế nào để quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng?", chúng tôi nêu câu hỏi. Đại úy Đặng Văn Nam, Phó đại đội trưởng phụ trách Đại đội 531-đơn vị chuyên trách bảo vệ rừng thuộc Đoàn KTQP Quảng Sơn, khẳng định: "Đó là kết quả mang lại từ công tác dân vận, cùng sự nỗ lực của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị".

Để quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng, đơn vị bố trí lực lượng, phương tiện theo hướng bảo đảm bám sát rừng, đặc biệt là tại những tiểu khu dễ xảy ra vi phạm, khu vực trước đây đã là điểm nóng về phá rừng. Hiện tại, rừng do Đoàn KTQP Quảng Sơn quản lý được chia thành 15 tiểu khu. Tại các tiểu khu này, Đại đội 531 lập 7 chốt chính và 8 chốt phụ. Các chốt tổ chức cho bộ đội ăn ở tại chỗ, ngày đêm bám rừng, tăng cường tuần tra, canh gác cả trong mùa khô cũng như mùa mưa.

Đại đội 531 bố trí cán bộ phụ trách các chốt phù hợp với năng lực, trình độ của từng đồng chí. Ví dụ, từ năm 2019 đến nay, tại các chốt: 3, 4, 5, 6, 7 là khu vực dễ xảy ra vi phạm, vì xung quanh rừng và gần rừng có nhiều hộ dân di cư tự do, nhưng khi đơn vị bố trí Đại úy QNCN Lương Hữu Tửu, cử nhân nông lâm có nhiều kinh nghiệm trong công tác dân vận phụ trách thì không còn xảy ra tình trạng người dân xâm lấn đất rừng ở vị trí đầu nương, cuối rẫy. Ngoài ra, Đại đội 531 thường xuyên tổ chức lực lượng theo dõi, nắm chắc hoạt động của các đầu nậu gỗ cũng như số đối tượng thường xuyên làm “nghề rừng”; qua đó tìm biện pháp tiếp cận, cảm hóa, giáo dục và ngăn chặn.

Một trong những kết quả ấn tượng khác, là thông qua công tác dân vận, bộ đội Đoàn KTQP Quảng Sơn đã thuyết phục được hầu hết các hộ dân trong vùng dự án tham gia công tác bảo vệ và phát triển rừng. Vì vậy, người dân đã tự nguyện trả lại cho đơn vị 70,5ha đất rừng lấn chiếm trước đây. Hơn 200 hộ đồng bào H’mông của thôn Đắc Snao và thôn Đắc Snao 2 trước đây di cư tự do từng vào rừng xâm lấn đất lâm nghiệp để sản xuất, sau khi vào vùng dự án của Đoàn KTQP Quảng Sơn, mỗi hộ được cấp 1ha đất sản xuất, 1 sào đất ở và hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi ổn định đời sống, bà con bỏ tập quán cũ, cùng bộ đội tích cực trồng lại rừng. Đến nay, quân và dân trong vùng dự án Đoàn KTQP Quảng Sơn đã trồng được hơn 80ha rừng.

Ông Giàng Xuân Sềnh, Trưởng thôn Đắc Snao phấn khởi cho biết: “Cuộc sống của bà con no ấm nên cả thôn không còn người vi phạm lâm luật nữa. Hơn thế, bà con ý thức rằng, nhờ những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn xanh tốt, 5 hồ thủy lợi trên địa bàn mới tích trữ được nước.

Ngay cả thời điểm khô hạn như hiện nay, các hồ vẫn đầy nước và nước theo đường ống tự chảy về từng nhà. Rẫy cà phê, hồ tiêu, vườn cây ăn quả không lo thiếu nước. Nước sinh hoạt của bà con cũng đủ đầy. Thấy được lợi ích từ rừng, bà con thêm tích cực cùng bộ đội giữ rừng và trồng lại rừng”.

Đề cập đến hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng của Đoàn KTQP Quảng Sơn, đồng chí Nguyễn Văn Kiện, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn khẳng định: “Xã Quảng Sơn có tới hơn 34.000ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích rừng tự nhiên hơn 27.000ha được giao cho 15 đơn vị chủ rừng.

Thực tế hoạt động của các chủ rừng, Đoàn KTQP Quảng Sơn nổi lên như một điển hình về công tác bảo vệ và phát triển rừng. Năm 2019, đơn vị được UBND tỉnh Đắc Nông tặng bằng khen và năm 2020 được UBND xã Quảng Sơn tặng giấy khen về công tác bảo vệ rừng”.

Với cán bộ, chiến sĩ Đoàn KTQP Quảng Sơn, thành tích lớn nhất chính là tạo được sự gắn bó, đoàn kết quân-dân trong bảo vệ và phát triển rừng, giữ được màu xanh cho rừng Quảng Sơn.

Bài và ảnh: BÌNH ĐỊNH