Một tín hiệu vui: Ngày 26-3 vừa qua, Bộ Xây dựng đã có tờ trình Chính phủ về việc đẩy mạnh xây dựng nhà ở cho học sinh- sinh viên, công nhân lao động trong các khu công nghiệp và người có thu nhập thấp ở đô thị. Trong phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các tỉnh, thành phố cuối tháng 3, vấn đề này đã được đưa ra bàn thảo. Dư luận đặc biệt quan tâm đến vấn đề có ý nghĩa xã hội to lớn này, bởi nhà ở xã hội đang là vấn đề nóng của khoảng hơn 700 nghìn công chức và hàng triệu lao động, học sinh, sinh viên. Dư luận cũng cho rằng 35 nghìn tỉ đồng nằm trong gói giải pháp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2009-2010, là một hướng kích cầu “khôn ngoan”. Khi những khu nhà ở xã hội được khởi công, sẽ đồng thời chuyển động theo đó thị trường lao động, vật liệu xây dựng, và rất nhiều vấn đề xã hội khác sẽ được giải quyết.

Chủ trương là đúng đắn, song dư luận cũng đang băn khoăn và có cả hoài nghi về khả năng tổ chức thực hiện. “Nhà ở xã hội”, “Nhà ở cho người thu nhập thấp”, “Chung cư giá rẻ”… là những cụm từ nghe khá quen tai từ gần chục năm qua. Nhưng, cũng trong thời gian ấy, biết bao ì xèo về chất lượng nhà ở; đặc biệt là giá cả vẫn cao chót vót, chỉ những người giàu và có “chân trong” mới mua được để rồi đầu cơ sinh lợi, nảy sinh biết bao vấn đề xã hội bức xúc, làm mất lòng tin của nhân dân.

Đã có nhiều chuyên gia, các vị lãnh đạo, và những người trong đối tượng được hưởng lợi của dự án lên tiếng. Ý kiến ở nhiều góc độ, nhưng cơ bản đã gặp nhau ở một nhận thức, một nguyện vọng, đó là: Nhà cho người thu nhập thấp, nhưng chất lượng không thể thấp, giá cả phải chăng. Để giải bài toán giá cả đã có chuyên gia nói nhà cho người thu nhập thấp chỉ cần diện tích 30-35m2. Có như thế mới mong người nghèo ở đô thị có nhà. Ai cũng biết một thực tế: Hai vợ chồng công chức, nuôi 1 hoặc 2 con, nếu chỉ tính thu nhập chính đáng từ đồng lương Nhà nước thì cả đời làm lụng không thể tích cóp nổi một trăm triệu đồng. Những ý kiến kiểu như: “xã hội đang phát triển, người nghèo cũng cần trên 60m2 nhà, cần khang trang, và như vậy, giá mỗi căn hộ khoảng trên 500 triệu đồng”… là không thấu hiểu nỗi nhức nhối của hàng triệu gia đình thu nhập thấp, trong đó có một phần cán bộ, sĩ quan trong LLVT đóng quân trên địa bàn đô thị. Phần đông cán bộ, công chức nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, hoặc của hồi môn của gia đình thì mãi mãi không có nhà, không an cư. Những người làm chính sách nếu không hiểu được vấn đề mấu chốt của người thu nhập thấp là họ huy động được mấy chục triệu đồng đã rất khó khăn, thì sẽ vô tình “bẻ ghi” một chủ trương đúng đi lệch hướng, tiền của Nhà nước lại tiếp tục đổ vào những dự án không thiết thực, tạo cơ hội cho nhiều người vốn đã giàu có, lại thêm giàu có một cách dễ dàng. Một thực tế rất đáng quan tâm khác, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, số cán bộ công chức tại các đô thị chưa có nhà ở phần lớn là công chức trẻ, có chuyên môn nghiệp vụ cao, hứa hẹn cống hiến nhiều cho xã hội. Nếu không có chính sách thỏa đáng, kiên quyết, mau lẹ, thì chuyện “chảy máu chất xám”, “chân ngoài dài hơn chân trong”… không thể khắc phục được.

Nhà ở cho người thu nhập thấp cũng nên điều tra kỹ, phân bổ chặt chẽ, để đồng tiền- sự quan tâm của Chính phủ đến đúng nơi nhân dân đang cần, tránh cơ chế xin-cho. Những loại nhà này rất cần xen kẽ trong các khu chung cư cao cấp, những vị trí trung tâm để người nghèo cũng có cơ hội hưởng phúc lợi xã hội thông qua hệ thống cơ sở hạ tầng. Quan điểm dành 10% quỹ đất trong các khu đô thị hiện đại xây nhà giá thấp là rất hợp lý, vì sự phát triển hài hòa của xã hội trong tương lai.

Chủ trương đã đúng, lòng dân đồng thuận, cần khảo sát kỹ, giám sát chặt, phân bổ đúng, thi công nhanh, bằng cả uy tín, trách nhiệm và đạo lý để nhà ở xã hội- giấc mơ của công chức nghèo, học sinh- sinh viên, công nhân lao động- nhanh chóng thành hiện thực.

ĐOÀN XUÂN BỘ