Một ngân hàng đổ vỡ có thể gây hiệu ứng domino lên toàn hệ thống, thậm chí có thể là điểm khởi đầu cho cuộc khủng hoảng kinh tế. Việc Ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ tuyên bố phá sản đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính trên quy mô toàn cầu vào những năm 2007-2008. Vì thế, xử lý nợ xấu ngân hàng là việc được nhiều chính phủ trên thế giới dành sự quan tâm rất đặc biệt.

Tại Việt Nam, giai đoạn trước năm 2017, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, đại suy thoái kinh tế toàn cầu, sự đóng băng của thị trường bất động sản và những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp khiến tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng ở mức rất cao. Với mục tiêu ngăn chặn rủi ro từ sớm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đề xuất chính sách thí điểm xử lý nợ xấu. Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng ra đời trong bối cảnh đó.

leftcenterrightdel
 Giao dịch tại một ngân hàng cổ phần ở Hà Nội. Ảnh: Vnexpress

Kể từ khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực cho đến hết năm 2021, tổng giá trị nợ xấu đã được xử lý đạt 380,2 nghìn tỷ đồng. Kết quả đó từng bước đưa nợ xấu trong hệ thống tổ chức tín dụng ở Việt Nam trở về ngưỡng an toàn.

Trong giai đoạn sắp tới, kinh tế thế giới được dự báo sẽ rất khó lường với nhiều khó khăn phát sinh, giá xăng, dầu tăng cao và hiệu ứng sau các động thái kích thích phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 đã tác động kép tới giá cả hàng hóa, khiến tỷ lệ lạm phát ở nhiều nước tăng rất cao. Cùng với đó là những khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Những yếu tố đó sẽ khiến tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tiếp tục phát sinh nhiều hơn.

Vì vậy, gần như chắc chắn Quốc hội sẽ nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc kéo dài thời gian áp dụng toàn bộ Nghị quyết số 42/2017/QH14 thêm một năm. Đây sẽ là thông tin tốt lành với các ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Trong nền kinh tế thị trường, các khoản nợ xấu phát sinh là điều khó tránh khỏi và nợ xấu sẽ tăng mạnh mỗi khi nền kinh tế gặp khó khăn cục bộ hay khủng hoảng trên diện rộng. Nợ xấu sẽ luôn đi theo các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Do vậy, việc kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, cần tổng kết toàn diện việc thi hành Nghị quyết số 42/2017/QH14, những vấn đề gì đã chín, đã rõ thì đề xuất sửa đổi, bổ sung vào Luật Các tổ chức tín dụng.

Suy cho cùng, xử lý nợ xấu cũng là một phần hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng. Cùng một đối tượng không nên bị điều chỉnh bởi hai văn bản luật khác nhau trong thời gian dài như vậy.

THANH HƯƠNG