Thống kê tại 16 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III cho thấy, chỉ có 2 ngân hàng có nợ xấu giảm, còn lại đều có nợ xấu tăng lên. Nợ xấu nội bảng cuối tháng 9 ở mức hơn 49.600 tỷ đồng, tăng gần 12.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm, tương đương tăng trên 30%. Dự báo đến cuối năm nay, tỷ lệ nợ xấu cộng gộp sẽ cao gấp rưỡi so với cuối năm 2019. Dù vậy, các chuyên gia nhận định đây chưa phải là mức tăng thực chất vì còn nhiều khoản vay được giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước nên chưa đưa vào thống kê...

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: vtv.vn 

Rõ ràng, nguyên nhân chính xuất phát từ việc các doanh nghiệp chưa phục hồi được hoạt động sản xuất, kinh doanh nên nhiều khoản nợ chưa thanh khoản được. Trong khi đó, chủ trương hiện nay là gỡ khó cho các doanh nghiệp nên không thể ngay lập tức bắt các doanh nghiệp phải trả những khoản nợ này. Do đó, những khoản nợ này có nguy cơ trở thành nợ xấu...

Do vậy, việc đưa ra các giải pháp hiệu quả để kiểm soát và kiềm chế nợ xấu là rất cấp bách và cần thiết. Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay, hơn hết vẫn là mong chờ sự phục hồi của nền kinh tế. Vì chỉ khi kinh tế tăng trưởng thì nợ xấu mới giảm được. Nền kinh tế hoạt động tốt và hiệu quả thì doanh nghiệp cũng làm ăn được, không có nợ xấu. Do đó, về phía Chính phủ, ngoài việc hỗ trợ về chính sách thì cũng cần có chính sách tiền tệ và tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế phát triển, như vậy mới giải quyết được vấn đề tận gốc rễ. Bởi khi nền kinh tế phục hồi, phát triển nhanh thì lúc đó doanh nghiệp mới làm ăn hiệu quả. Về phía các ngân hàng phải tiếp tục tăng trích dự phòng rủi ro nhằm đề phòng cho những bất trắc xảy ra và để có khả năng bù đắp các thâm hụt...

Ngoài ra, Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã đi vào cuộc sống, giúp nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng giải quyết được bài toán khó về nợ xấu trong thời gian qua. Vì vậy, theo tôi, nên kéo dài Nghị quyết 42 thêm một thời gian nữa, nhất là trong lúc chưa đưa vào luật hóa ở những nguyên tắc vay và trả nợ vay, chưa bảo đảm được quyền giữa người cho vay và người đi vay. Trong đó, cần ưu tiên bảo vệ người đi vay và cả người cho vay để làm sao có thể duy trì ý thức tự giác chấp hành trong hoạt động vay và trả nợ...

HẢI ANH (Việt Trì, Phú Thọ)