Trong những năm tháng vượt rừng, xuyên núi đánh giặc cứu nước, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân được đồng bào cả nước ủng hộ, giúp đỡ. Không ít những gia đình trên dải đất hình chữ S này đã sẵn sàng hy sinh tính mạng, tài sản để nuôi dưỡng, che giấu bộ đội trước sự truy lùng tàn khốc của kẻ thù. Không ít những ông lão, bà lão, phụ nữ, em nhỏ chỉ vì sự an toàn, bí mật cho bộ đội đã cải trang để đánh lạc hướng kẻ thù, rồi phải gánh chịu những đòn tra tấn hết sức dã man... Nhiều lắm, những câu chuyện thực tế và cảm động về tình quân dân, về sự yêu thương, đùm bọc của nhân dân đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trên dọc dài chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.
Thực tiễn minh chứng, sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam đã cho thấy, nguồn gốc của sức mạnh không chỉ bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự chăm lo giáo dục của các tổ chức chính trị-xã hội, mà còn bắt nguồn từ sự đoàn kết, gắn bó giữa quân đội với nhân dân, bắt nguồn từ sự yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến vai trò của nhân dân, coi nhân dân là nền tảng, là cội nguồn sức mạnh của Quân đội nhân dân. Người khẳng định “Không có dân thì không có bộ đội”, “Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ: “Phải nhớ rằng dân là chủ. Dân như nước, mình như cá. Lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết”. Người cho rằng “Sự đoàn kết nhất trí giữa Đảng, Chính phủ, quân đội và nhân dân ta trở thành một lực lượng vô cùng to lớn. Nó giúp ta vượt qua tất cả mọi khó khăn gian khổ. Nó rèn luyện cho chiến sĩ, cán bộ và đồng bào ta thành những người anh hùng”.
Quân đội nhân dân Việt Nam được sinh ra từ nhân dân, lớn lên nhờ sự che chở, đùm bọc, yêu thương của nhân dân. Nghĩa cử và công lao to lớn ấy của nhân dân, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân luôn khắc cốt, ghi tâm. Bởi vậy, không chỉ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, mà giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ... còn là bổn phận, nghĩa vụ của mỗi người lính Cụ Hồ.
Những ngày qua, những ngày mà năm mới Đinh Dậu đang cận kề, trên khắp mọi miền của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đều tổ chức các hoạt động ý nghĩa chăm lo Tết cho đồng bào bằng nhiều hình thức thiết thực. Chương trình “Xuân biên cương, Tết hải đảo” của Tuổi trẻ Quân đội là một ví dụ điển hình. Chương trình diễn ra với rất nhiều hoạt động, như tổ chức lễ hội bánh chưng xanh; thăm, tặng quà người có công, người nghèo; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; giao lưu văn hóa, văn nghệ; tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống... Rồi chuyện, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đóng quân ở vùng biên giới, hải đảo tình nguyện, xung phong gác lại những chuyến nghỉ phép hành quân về các bản làng vui Xuân, đón Tết cùng nhân dân. Họ về với nhân dân như về với chính gia đình mình, người thân của mình. Hoặc chương trình "Xuân biên phòng-Ấm lòng dân bản" do Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức ở Sơn La cũng đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm... Tất cả những hoạt động đó chỉ hướng đến một mục đích duy nhất: Ai cũng được vui Xuân, đón Tết. Hạnh phúc của nhân dân, hạnh phúc của mỗi người dân chính là hạnh phúc của mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân.
Quan tâm chăm lo và giúp đỡ nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là nhân dân các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, những địa bàn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, vùng căn cứ cách mạng, không chỉ là cách báo đáp nhân dân của mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân, mà còn là hành động cụ thể thực hiện tốt lời chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.
LÊ LONG KHÁNH