Khảo sát tại một số chợ dân sinh trên địa bàn TP Hà Nội, chúng tôi ghi nhận giá các loại rau xanh, thực phẩm tươi sống, đồ khô có mức khá cao: Thịt lợn có giá từ 110.000 đến 150.000 đồng/kg (tăng 30.000 đồng/kg so với tháng trước); thịt bò loại ngon 270.000-300.000 đồng/kg (tháng trước khoảng 250.000 đồng/kg); dầu ăn Simply có giá 130.000 đồng/chai 2 lít (tăng 15.000 đồng); mì ăn liền tăng từ 10.000 đến 15.000 đồng/thùng... Các đấng mày râu ít khi để ý chuyện giá cả chợ búa cũng có thể cảm nhận dường như đã có một mặt bằng giá mới khi phải trả thêm 5.000-10.000 đồng cho mỗi món ăn tại các cửa hàng phục vụ ăn uống. Đó là hệ lụy sau đợt xăng, dầu tăng giá kỷ lục thời gian qua.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị Big C Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: tuoitre.vn

Nhằm hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt giảm mạnh giá xăng, dầu với mong muốn từ việc giảm giá xăng sẽ giúp giảm giá các mặt hàng tiêu dùng, đỡ gánh nặng cho người dân, đặc biệt là những người còn khó khăn. Ấy vậy mà trái với dự đoán, nghịch lý đã xuất hiện và đang gây bức xúc cho cộng đồng. Giá xăng, dầu giảm nhưng giá cả hàng hóa không giảm, khiến người lao động thêm lao đao, bất bình với cách kinh doanh của không ít tiểu thương, doanh nghiệp.

Văn hóa kinh doanh mang nặng tính chụp giật của lượng lớn tiểu thương, doanh nhân không đếm xỉa đến khó khăn của cộng đồng và đất nước, thừa cơ để vun vén, làm giàu cho bản thân. Xét về bản chất, đây là kiểu kinh doanh của những thương nhân có tư duy tiểu nông, chỉ vì cái lợi trước mắt, ích kỷ, thiếu sự chia sẻ với người tiêu dùng.

Không ít người nhầm tưởng tư duy tiểu nông chỉ gắn với cư dân canh tác nông nghiệp quy mô nhỏ, gắn với văn hóa làng xã, khi đất nước phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lối tư duy tiểu nông cũng sẽ tự tiêu tan. Kỳ thực, tư duy tiểu nông như một thứ “di truyền văn hóa”, đến nỗi nhiều cá nhân, tổ chức “ly nông” chuyển sang kinh doanh buôn bán, cung cấp dịch vụ vẫn “nhiễm” lối tư duy nguy hại đối với cộng đồng.

Trong chủ trương phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao quan điểm “hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro”, cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Bởi suy cho cùng, các chủ thể trong nền kinh tế đều hoạt động trong một hệ sinh thái chung; đất nước có ổn định, phát triển, nhân dân có ấm no, hạnh phúc thì các doanh nghiệp mới phát triển bền vững. Doanh nghiệp vị kỷ cố tình giữ giá cao thực chất cũng đang làm hại chính mình mà không nghĩ vấn đề giảm giá để “tất cả cùng thắng”.

Cho nên, trong kinh doanh thì chữ tâm phải luôn được đặt lên hàng đầu, để làm sao mang lại lợi ích hài hòa cho cả người dân và doanh nghiệp. Có như vậy, đất nước ta mới đủ nguồn lực để vững vàng vượt qua những biến động bất ổn từ tình hình kinh tế thế giới. Do đó, cần thiết phải có những can thiệp, điều chỉnh dưới góc độ chính sách và việc làm này cần phải quyết liệt vì một mục tiêu dài hạn cho sự phát triển bền vững của nước nhà. Mà trước mắt cần kêu gọi các doanh nghiệp chủ động giảm giá những mặt hàng khi xăng, dầu giảm giá vì lợi ích thiết thực của cộng đồng.

VIỆT ANH