Giá xăng dầu giảm nhưng giá hàng hóa vẫn "đứng im"

Chỉ trong vòng một tháng qua, giá xăng, dầu đã giảm liên tiếp nhiều lần, từ mức cao kỷ lục gần 33.000 đồng/lít xuống còn quanh mốc 25.000 đồng/lít. Tuy nhiên, hy vọng về việc “hạ nhiệt” của giá các mặt hàng khi giá xăng giảm của người dân đã không thành hiện thực khi mà cả tháng nay đi chợ thấy giá cả vẫn không đổi, thậm chí có một số mặt hàng còn tăng giá như hành, cà rốt… Hay các mặt hàng như thịt lợn, thịt gà, thịt bò... thậm chí còn có xu hướng tiếp tục tăng 5-10%, tùy mặt hàng.

Do vậy, sau mỗi lần đi mua hàng, nhiều người tiêu dùng cho rằng như bị “móc túi” vậy, chỉ mua thực phẩm thiết yếu dùng trong ngày cũng đã tiêu tốn vài trăm nghìn đồng. Người dân rất mong muốn giá cả bớt “nóng” để cuộc sống vơi đi phần nào khó khăn, nhất là sau 2 năm đã bị ảnh hưởng khá nhiều bởi dịch bệnh Covid-19.

leftcenterrightdel
 Người dân mua sắm tại một siêu thị.  

Theo đó, một số mặt hàng là lương thực, thực phẩm thiết yếu đã tăng giá phi mã so với trước kia. Qua khảo sát của phóng viên tại các một số khu chợ trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho thấy: Giá rau muống tăng từ 5.000-7.000 đồng/mớ so với trước, lên mức khoảng 12.000-13.000 đồng/mớ; rau mồng tơi tăng từ 5.000 đồng/mớ lên 8.000-10.000 đồng/mớ; hành lá cũng tăng từ 30.000 đồng/kg lên 60.000 đồng/kg; thịt ba chỉ lợn tăng từ 120.000 đồng/kg lên mức 140.000 đồng-150.000 đồng/kg; trứng gà tăng từ 30.000 đồng/chục lên 40.000-50.000 đồng/chục tùy loại; dầu ăn cũng tăng khoảng 8.000-10.000 đồng/chai, lên 63.000-75.000 đồng/kg tùy loại...

Chị Trần Thị Nga (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trong đợt xăng tăng giá kỷ lục vừa qua, ngoài giá các loại hàng rau, củ, thịt, trứng và giá cước vận tải “té nước theo mưa” thì các hàng ăn, quán phở cũng tăng giá 5.000-10.000 đồng/bát. Thế nhưng đến nay, xăng dầu đã được điều chỉnh giảm 5.000-7.000 đồng mà các loại hàng hóa trên vẫn “đứng im”, chưa có dấu hiệu giảm. 

Theo chia sẻ của các tiểu thương, bởi nguồn cung thực phẩm nhập về đắt hơn so với trước nên họ cũng phải bán đắt hơn để kiếm lời. Một số tiểu thương cho rằng, giá bây giờ đang đắt gấp đôi so với bình thường. Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, giá bán cao hiện nay là do chi phí nuôi cao, thức ăn cao, giá cám cao cộng thêm các chi phí dọc đường đã đẩy giá bán lên cao.

“Tuần trước ngày nào giá thịt lợn cũng tăng, tuần này đã giảm đi một chút nhưng giá vẫn khá cao. Người buôn bán chúng tôi chịu sức ép từ giá cả nên cũng ế ẩm hơn, nhà hàng thì muốn xuống giá còn người dân thì cũng mua ít đi…”, chị Tạ Thị Lan, tiểu thương chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.

Đặc biệt, không chỉ đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm, giá cước vận tải cũng đang “đứng im”, cho dù giá xăng dầu - cấu phần chiếm 30-40% chi phí vận tải – đã giảm nhiều. Theo chia sẻ của các doanh nghiệp vận tải, giai đoạn vừa qua, ngành này đã bị ảnh hưởng lớn bởi xăng dầu tăng giá, do đó, nếu giảm giá vé thì việc cân đối tài chính của các đơn vị vận tải sẽ gặp khó khăn, nhiều đơn vị rơi vào thua lỗ...

Đáng chú ý là, việc hàng hóa không chịu giảm theo chu kỳ giảm của giá xăng gây áp lực ngày một gia tăng lên lạm phát và đã bắt đầu ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy: Trong lĩnh vực nông nghiệp đã xuất hiện tình trạng hạn chế đầu tư mở rộng sản xuất, tái đàn, tái vụ do giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến người dân, mà còn cản trở quá tình phục hồi của nền kinh tế 2 năm sau đại dịch Covid-19. 

Giảm phí các khâu trung gian

Theo các chuyên gia kinh tế, một “căn bệnh” trong hoạt động quản lý thị trường hiện nay là sự phân phối không công bằng. Cấp trung gian hưởng lợi quá nhiều, trong khi nhà sản xuất chưa chắc đã lãi nhiều và người dân, người tiêu dùng phải mua hàng giá đắt. Do đó, cần thiết có giải pháp quản lý hiệu quả hơn nhằm giải quyết được câu chuyện "té nước theo mưa", hay "lên nhanh, xuống chậm" như hiện nay. 

Đưa ra các giải pháp, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nhấn mạnh đến vấn đề cung cầu hàng hóa cần được bảo đảm, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là giảm phí các khâu trung gian thì giá cả hàng hóa mới “hạ nhiệt”.

“Hiện một viên thuốc, một con lợn, một con cá đi từ bán buôn, bán lẻ rồi vào lò mổ, vào siêu thị; một số siêu thị chiết khấu cao, thậm chí chiết khấu còn cao hơn cả lợi nhuận người sản xuất. Tất cả cái đó cho vào giá chứ đâu nữa”, ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú. 

Theo ông Vũ Vinh Phú, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm từ Hàn Quốc trong việc xây dựng các chuỗi cung ứng ngắn, đi từ sản xuất đến bán lẻ. Thậm chí, luật hóa và minh bạch hóa việc phân phối lợi nhuận trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị như Thái Lan. 

“70% lợi nhuận của một kilogram đường ở Thái Lan chia cho người nông dân, người làm ra của cải vật chất cho xã hội, còn 30% là các khâu khác, thế nhưng, ở nước ta thì dường như ngược lại. Hay là ở các nước, siêu thị bán giá phải rẻ hơn ở chợ. Nhưng tôi theo dõi ngành thương mại mấy chục năm nay thì thấy ở ta siêu thị lại đắt hơn chợ 30%, trong đó có những yếu tố loại trừ như VAT không kể, song yếu tố chủ quan của siêu thị đẩy giá lên là có", ông nói. 

Ông Vũ Vinh Phú đề nghị quan tâm lại vấn đề này, cần phải chăm chút đến người nông dân, người công nhân, những người làm ra của cải vật chất trong chuỗi cung ứng đó, bởi vì nếu họ thua lỗ thì không thể có sản phẩm để tiêu dùng và xuất khẩu. Đó mới là cái gốc của sự phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, cần xây dựng các sàn giao dịch thương mại và hệ thống phân phối để tránh tình trạng “mua dấm – bán dúi”, ép giá lẫn nhau. “Có sàn giao dịch công khai thì mớ rau, con lợn đều đưa lên đó. Như vậy sẽ tránh được tình trạng có 10 bó rau sạch thì chỉ có 1 bó vào siêu thị, 9 bó cũng phải đi ra thị trường bán với giá rau không sạch”, ông nói thêm.

Xây dựng đạo đức kinh doanh 

Chuyên gia Vũ Vinh Phú cũng nhấn mạnh, vấn đề giá là vấn đề hết sức quan trọng, động chạm đến doanh nghiệp và người tiêu dùng. Do đó, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh dịch vụ cần xây dựng thương hiệu của mình, trong đó có thương hiệu về đạo đức, giao dịch, chia sẻ lợi nhuận hợp lý, không giành phần thắng cho mình.

“Tôi cho rằng, đó là tâm đức cao nhất của người kinh doanh và như vậy sức sống của doanh nghiệp sẽ bền lâu”, chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng cũng không thể làm triệt để nếu người dân và doanh nghiệp không vào cuộc. Với doanh nghiệp, biện pháp trước mắt là đẩy mạnh truyền thông để họ nhận thức tốt hơn và đặc biệt là phải tạo được văn hóa kinh doanh, đạo đức kinh doanh của Việt Nam - đây là biện pháp cả trước mắt và lâu dài, nhằm lành mạnh hóa thị trường và quyền lợi của người tiêu dùng sẽ được bảo đảm tốt hơn. 

THẢO PHƯƠNG