Nhờ đó, phần lớn lao động Việt Nam luôn được các cơ quan hữu quan tại nước tiếp nhận đánh giá tích cực về sự chăm chỉ, cần cù, nắm bắt nhanh công việc, làm việc có chất lượng và năng suất. Một số thị trường như Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc, lao động Việt Nam luôn được doanh nghiệp, người sử dụng lao động ưu tiên tiếp nhận hơn...
Vậy nhưng, thật đáng buồn là ở một số địa phương, một số chương trình, dự án, do nhiều nguyên nhân đã để xảy ra hiện tượng người lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp, hoặc hết hạn hợp đồng không chịu trở về, khiến đối tác nước ngoài phải dừng hợp đồng. Đơn cử như ở tỉnh Quảng Bình vừa qua ưu tiên tuyển dụng những người có hoàn cảnh khó khăn, là người dân tộc thiểu số... sang TP Yeongju, tỉnh Gyeongsangbuk (Hàn Quốc) để sản xuất nông nghiệp. Hợp đồng XKLĐ chia làm nhiều đợt: Đợt 1 vừa đi xong, đợt 2 đang làm công tác chuẩn bị thì có người vi phạm, bỏ trốn nên phía bạn tạm dừng hợp đồng. Thật đáng chê trách, phê phán người vi phạm và cũng thật ái ngại cho những người XKLĐ đợt sau mà chưa đi được bởi đã đầu tư tiền bạc, công sức, thời gian và cả... hy vọng, rốt cuộc vì “con sâu làm rầu nồi canh”, họ đành phải chờ đợi không biết đến bao giờ.
 |
Ảnh minh họa: Báo Đại biểu nhân dân. |
Thiết nghĩ, khái niệm “Lao động chuẩn mực” nên được mở rộng nội hàm: Đó là việc tuân thủ luật pháp Việt Nam và quốc tế của công dân đi XKLĐ. Phải có chế tài đủ mạnh, có các điều kiện kinh tế-xã hội ràng buộc, điều chỉnh người XKLĐ dứt khoát phải tuân thủ. Và nữa, ngay từ khâu tuyển chọn, tuyển dụng người đi XKLĐ, áp dụng phương cách nào đó để tuyển chọn đúng những người có thể đáp ứng các tiêu chí “Lao động chuẩn mực”? Ngoài trình độ học vấn, năng lực, kinh nghiệm... thì người được tuyển chọn phải có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, gương mẫu chấp hành tốt các quy định. Cùng với đó, việc phối hợp quản lý người lao động giữa chính quyền địa phương với các nước cần tiến hành đồng bộ, thường xuyên và chặt chẽ hơn; cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thi đua, khen thưởng...
Hiện tại, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình đang nỗ lực phối hợp với phía bạn để xử lý vấn đề, nối lại chương trình đầy ý nghĩa nhân văn này. Hàng nghìn người nghèo ở nông thôn, miền núi Quảng Bình-những người đi XKLĐ đợt sau vẫn không tắt hy vọng. Và còn hơn thế nữa, những kiến thức, kinh nghiệm, phong cách, kỹ năng làm việc hiện đại mà họ được trang bị, tích lũy, sau khi trở về sẽ có cơ hội áp dụng ngay trên chính đồng ruộng quê hương mình. Họ-khi đã trở thành “Lao động chuẩn mực” thì không sợ thiếu việc làm dù bất cứ ở đâu!
TRẦN MINH TÚ