Việc Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam mới đây phát hiện một trường hợp sử dụng bằng tiến sĩ giả rồi xin vào giảng dạy và lại sớm được tuyển dụng, bổ nhiệm chức danh trưởng khoa, gióng lên hồi chuông báo động về vấn nạn “bằng cấp giả, thăng tiến thật” đang tiềm ẩn nguy cơ băng hoại đạo đức, văn hóa. Đáng nói hơn, tiến sĩ giả này từng đi thỉnh giảng, giảng dạy ở gần chục trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua.

Nhà trường không chỉ có sứ mệnh cao cả là nơi ươm mầm đạo đức, bồi đắp lương tri, gieo trồng nhân cách cho học sinh, sinh viên, mà đây là thiết chế quan trọng nhất trong việc giảng dạy, truyền bá, lan tỏa tri thức văn hóa, khoa học cho thế hệ chủ nhân tương lai của nước nhà. Vì vậy, bất cứ ai được tuyển dụng vào các nhà trường đều phải trải qua quá trình đào tạo, rèn luyện công phu, chu đáo thì mới có thể đảm đương được vị thế, vai trò của “người lái đò tri thức” cho xã hội.

Một nền giáo dục trung thực trước hết phải có đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trung thực, liêm chính, hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Do đó, từ công tác tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng đến tuyển dụng, bố trí, sử dụng giáo viên, giảng viên phải được thực hiện bài bản, nghiêm túc. Trong đó, việc tuyển dụng đầu vào càng thực hiện công tâm, chặt chẽ thì càng tạo tiền đề tích cực cho việc sử dụng, phát huy trình độ, năng lực của nhà giáo sau này. Ngược lại, bất cứ sự giản đơn, sơ hở, sai sót nào trong việc kiểm tra, giám sát đầu vào cũng dẫn đến hệ lụy đáng tiếc.

leftcenterrightdel
Trường Đại học Khoa học tự nhiên xác nhận đây là bằng tiến sĩ giả của ông Nguyễn Trường Hải - người từng là Trưởng khoa Công nghệ thông tin của trường Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam. Ảnh: Tuoitre.vn

Không chỉ trường hợp tiến sĩ giả nêu trên được tuyển dụng vội vàng, thời gian qua, không ít trường hợp được xét tuyển, bổ nhiệm chóng vánh có nguyên nhân sâu xa là do một số tổ chức, cơ quan vẫn sính bằng cấp. Bằng cấp tuy quan trọng nhưng không phải là diện mạo nhân cách, năng lực toàn diện của cán bộ, công chức; mà nó chỉ phần nào thể hiện trình độ kiến thức, năng lực tư duy, trí tuệ của mỗi người. Mặt khác, bằng cấp chỉ có giá trị thật sự khi người sở hữu nó phải trải qua quá trình học hành, đào tạo, rèn luyện nghiêm túc với một lượng kiến thức, kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ đã được quy chuẩn hóa theo quy định.

Muốn đẩy lùi bệnh “chạy bằng cấp”, trong quá trình tuyển dụng, bố trí, bổ nhiệm cán bộ, công chức, các tổ chức, cơ quan, nhà trường chỉ nên xác định tiêu chí bằng cấp là điều kiện cần, chứ không phải là tiêu chí quan trọng nhất, duy nhất, mà phải có sự sát hạch, kiểm tra, thi tuyển đầu vào nghiêm túc, thực chất, công bằng, minh bạch để tìm kiếm, lựa chọn được những cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng với công việc, cương vị đảm nhiệm. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, xây dựng, ban hành bộ tiêu chí khoa học nhằm đánh giá thực chất trình độ, trí tuệ, năng lực thực tế của đội ngũ cán bộ, công chức, làm cơ sở để tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức một cách chính xác, bảo đảm đạt cả 3 mục tiêu là “được người, được việc, được tổ chức”.

PHÚC NỘI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.