“Chú voi con ở bản Đôn” được nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác trong một chuyến đi thực tế Đắk Lắk năm 1983 cùng với nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, nhạc sĩ Hoàng Vân. Bài hát nhanh chóng nhận được tình cảm yêu mến của thiếu nhi cả nước, đồng thời trở thành bài hát mang tính biểu tượng của Đắk Lắk.

Còn “Chú voi con ở bản Đôn” với những biến thể âm nhạc lẫn phần lời ca khúc khác với bản gốc, bởi ban đầu ai cũng nghĩ để nghe cho vui. Chính gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên khi được gửi cho nghe bản phái sinh này mấy năm trước cũng bỏ qua vì “không muốn làm ầm ĩ”. Nhưng bản phái sinh lại được người lớn chơi trong các buổi giao lưu, thậm chí biểu diễn trên sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp, nhanh chóng được lan tỏa. Đến nỗi như lời nhà báo Phạm Hồng Tuyến: Có lần, một đài truyền hình còn định dùng phiên bản này do đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp biểu diễn để phát sóng rộng rãi. Rất may gia đình biết sớm, kịp lên tiếng yêu cầu dừng biểu diễn.

leftcenterrightdel

Nhạc sĩ Phạm Tuyên.  Ảnh: Tuoitre.vn

Qua đây có thể thấy sự tồn tại tự phát tác phẩm nghệ thuật phái sinh rất nguy hiểm, lâu ngày hoàn toàn có khả năng thay thế tác phẩm gốc. Nhất là trong bối cảnh ngày nay, ai cũng có thể biến tấu các bài hát tung lên mạng xã hội, dẫn tới việc tác phẩm “mạo danh” lại được lan tỏa, có khi còn mạnh hơn tác phẩm gốc. Trong quá trình tán phát khắp nơi, phiên bản mới cũng có thể bị hiểu lầm chính là do tác giả tự phái sinh bản gốc của mình. Và vô hình trung, nhạc sĩ Phạm Tuyên có thể còn bị mang tiếng “cầm nhầm”. Vì phiên bản giọng thứ “Chú voi con ở bản Đôn” còn đính thêm đoạn điệp khúc bài hát “I want nobody but you” của nhóm Wonder Girls (Hàn Quốc) vào phía cuối bài.

Tất nhiên phiên bản “nhái” sẽ phải chịu hai nguy cơ bị đánh bản quyền từ tác giả Phạm Tuyên và từ đơn vị sở hữu bài hát Kpop kia. Nguy cơ đầu tiên đã hiện hữu khi đại diện nhạc sĩ ra thông báo: “Gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên mong chờ sự xin phép của người đã “biến thể” bài hát cho đúng với luật bản quyền. Chúng tôi để cho các khán thính giả nhận diện về việc phái sinh bài hát này, sau đó các link phái sinh đó sẽ không hoạt động nữa”. Nhiều khả năng tác giả của bản phái sinh này sẽ chẳng ra mặt vì cũng chẳng vẻ vang gì. Việc đổi giọng từ trưởng sang thứ và ngược lại, nhiều người thạo nhạc đều có thể làm, nhưng nếu là dân chuyên nghiệp, có ý thức về tác quyền hẳn sẽ chẳng phí thời gian cho việc làm vô bổ, lại tiềm ẩn nguy cơ bị kiện cáo như vậy.

Giả sử có xin phép tác giả để phái sinh dễ dãi kiểu này, đồ rằng cũng ít khả năng được sự đồng ý. Vì giọng điệu của một bài hát có vai trò quan trọng trong việc quyết định sắc thái biểu cảm cho tác phẩm cũng như phong cách của nhạc sĩ không thể tùy tiện thay đổi. Thời 4.0, khi ai cũng có thể làm nghệ sĩ, thể hiện bản thân qua mạng xã hội và hưởng lợi từ đó thì việc tôn trọng bản quyền càng phải đặt lên hàng đầu. Mỗi thế hệ sẽ có cảm nhận riêng dẫn đến những cách thể hiện một bài hát khác nhau. Nhưng điều đầu tiên người muốn phái sinh cần lưu tâm là phải tôn trọng tính nguyên gốc, tính trong sáng trong ca từ, giá trị nghệ thuật của giai điệu âm nhạc và tuyệt đối tránh gây hiểu lầm, dẫn tới bản phái sinh thay thế bản gốc như trường hợp đáng tiếc này.

NGUYỄN HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.