Ảnh chỉ có tính minh họa/Internet

QĐND - Theo chương trình phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, vào sáng 14-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Đây là vấn đề được đông đảo cử tri và đồng bào cả nước quan tâm bởi thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ làm trong sạch bộ máy Nhà nước. 

Trước ngày khai mạc phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban chỉ đạo xây dựng Đề án đã tổ chức cuộc họp với sự tham dự của nhiều chuyên gia pháp luật, đại diện lãnh đạo của các bộ, ngành, địa phương để lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Đề án. Các đại biểu đều thống nhất đánh giá Đề án đã kịp thời triển khai Nghị quyết Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ tạo điều kiện để Quốc hội, Hội đồng nhân dân thay mặt cử tri và nhân dân giám sát chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa đối với những người giữ các chức vụ do mình bầu ra hoặc phê chuẩn, nhất là những người giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy Nhà nước ở Trung ương và địa phương. Qua đó, tăng cường trách nhiệm của những người này trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao trước Quốc hội, Hội đồng nhân dân nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm góp phần tham mưu cho Đảng, Nhà nước đánh giá chính xác, hiệu quả hơn năng lực trình độ của người giữ chức vụ quyền hạn, kịp thời đưa ra khỏi hàng ngũ những người không đủ đức, đủ tài, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp.

Thực ra, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ trong bộ máy Nhà nước không phải là điều quá mới mẻ đối với các nước trên thế giới và Việt Nam. Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội của Việt Nam đã có các quy định về thẩm quyền bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nhưng trên thực tế, Quốc hội chưa bỏ phiếu tín nhiệm ai vì chưa có quy định cụ thể về đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm. Mới đây nhất, trong Nghị quyết số 27/2012/QH13 của Quốc hội đã quy định “Tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn”. Cũng trong Nghị quyết này, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm và việc xử lý kết quả trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2012).

Việc bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ là công việc rất quan trọng và hệ trọng liên quan trực tiếp đến công tác tổ chức cán bộ, đòi hỏi phải làm thật sự dân chủ, khách quan, công tâm, công bằng, công khai, chặt chẽ và thận trọng trên cơ sở quy định của pháp luật và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Tâm lý chung của người Việt Nam là không thích bị điều trần, bị bỏ phiếu bất tín nhiệm. Vì vậy, cần phải có cơ sở pháp lý ràng buộc trong những trường hợp cụ thể, phải lấy phiếu tín nhiệm, chẳng hạn như khi trả lời chất vấn không đạt yêu cầu, khi có đơn thư tố cáo gửi Quốc hội… Mặt khác, các quy định trong Đề án phải mang tính khả thi cao để có thể áp dụng ngay trong kỳ họp sắp tới của Quốc hội. 

Cử tri hy vọng, trong phiên họp ngày mai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giải đáp được các vấn đề mà cử tri đặc biệt quan tâm như: Đối tượng được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm; thẩm quyền lấy phiếu tín nhiệm; tiêu chí đánh giá, thể hiện sự tín nhiệm; thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm và việc bãi nhiệm nếu cán bộ có tín nhiệm thấp mà không chờ đến hết nhiệm kỳ hoặc hết tuổi công tác.

Đỗ Phú Thọ