Hiện tượng một số bộ môn nghệ thuật sử dụng ngôn từ, xuất hiện thứ tiếng Việt rất... bất bình thường, không phải là hiếm gặp. Nào là pha trộn tiếng nước ngoài, khi thì dùng nhiều tiếng lóng và từ ngữ đua theo xu thế (trend) trên không gian mạng... Báo động hơn là cách kết hợp từ thành các cụm từ, câu, mắc lỗi logic ngữ pháp, uốn éo thành ra khó hiểu, số khác lại sáo và rỗng nghĩa. Điều đáng quan ngại là "chủ nhân" làm biến tướng tiếng Việt đa số lại là các tác giả trẻ.

 Bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt trong văn nghệ không chỉ là trách nhiệm mà còn là sứ mệnh của những người làm nghệ thuật. Ảnh minh họa

Văn nghệ sĩ trẻ sử dụng tiếng Việt cẩu thả là do không chú ý học và hành ngôn ngữ; thiếu trách nhiệm giữ gìn và bồi đắp sự giàu đẹp của tiếng Việt. Là nghệ sĩ trẻ, việc chưa thấu suốt linh hồn tiếng Việt phần nào có thể cảm thông; tin tưởng với ý thức cầu tiến, họ sẽ dần khắc phục nhược điểm. Song, một bộ phận văn nghệ sĩ trẻ đang học đòi làm “xiếc” chữ nghĩa vô lối, cứ nghĩ như thế là hay, là "cách tân", do đó cần phải phê phán. Vì kỳ thực họ đang che đậy việc thiếu kiến thức, thiếu vốn sống, cạn kiệt năng lượng sáng tạo, cố "vẽ vời" hình thức câu chữ, quên rằng ngôn ngữ không chỉ là phương tiện mà còn là tư tưởng, thể hiện tính dân tộc sâu sắc.

Với sự phong phú và tinh tế sẵn có, tiếng Việt trong tay những bậc thầy ngôn từ sẽ trở nên đẹp đẽ, mẫu mực. Việc bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt trong văn nghệ không chỉ là trách nhiệm mà còn là sứ mệnh của những người làm nghệ thuật. Chỉ khi ngôn ngữ được sử dụng một cách tinh tế, chuẩn mực, các tác phẩm văn nghệ mới có thể chạm đến trái tim người thưởng thức và lưu lại dấu ấn với thời gian.

HÀM ĐAN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.