Truyền thống tốt đẹp của một dân tộc văn hiến và hiếu học đó đã được nhân dân ta kế thừa, phát huy trong cuộc sống hiện nay. Vậy nên, khi xảy ra sự việc một phụ huynh mang dao xông vào trường học bắt thầy hiệu trưởng quỳ gối, xin lỗi ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh mới đây đã khiến chúng ta rất ngỡ ngàng. Phụ huynh đó đang bị cơ quan chức năng xử lý, bị dư luận lên án và chắc chắn không tránh khỏi một bản án thỏa đáng. Còn thầy hiệu trưởng đã làm kiểm điểm và cũng sẽ bị xử lý kỷ luật.

Ảnh minh họa: TTXVN 

Câu chuyện bắt đầu từ việc hai em học sinh tiểu học con của vị phụ huynh kia đã bị thầy hiệu trưởng gọi tên nhắc nhở trong buổi chào cờ do chưa đóng tiền bảo hiểm y tế. Người phụ huynh cho rằng hai con và gia đình mình bị xúc phạm danh dự nên sau đó đã có hành động sai trái trên. Thật đáng thương hai em nhỏ đã bị tổn thương đến hai lần: Bị nhắc nhở dưới cờ và giờ đây bố thì bị tạm giam, truy tố, thầy hiệu trưởng thì làm kiểm điểm, dư luận thì bàn tán ra vào, mà với nhận thức non nớt, có những điều các em chưa thể hiểu đúng. Các em chẳng có lỗi gì. Tất cả là ở người lớn.

Nếu như trước khi nhắc nhở các em như vậy, thầy hiệu trưởng dừng lại một chút, nghĩ đến việc các em học sinh thân yêu của mình sẽ bị tổn thương tâm lý; nếu như phụ huynh kia trước khi hành động bạo lực như vậy nghĩ đến hậu quả pháp lý; nếu như thầy, cô giáo nhà trường không bị giao phải làm công việc không đúng chức năng là thu tiền bảo hiểm y tế cùng nhiều loại tiền phí, quỹ khác rất nhiêu khê và trong đó có thể có những món tiền chưa rõ ràng, thỏa đáng... thì chắc chắn câu chuyện đau lòng trên không xảy ra.

Bộ quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành từ năm 2019 quy định rất rõ việc ứng xử của cán bộ quản lý, thầy, cô giáo đối với người học: Ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu; yêu thương, trách nhiệm, bao dung; không xúc phạm, ép buộc, trù dập, bạo hành, gây tổn thương; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện...

Quy tắc đã rõ ràng như vậy, và trước khi có bộ quy tắc, bao trùm lên các quy tắc, quy định là truyền thống văn hóa yêu thương con người của dân tộc Việt Nam, lòng khoan dung, chia sẻ hàng ngàn đời nay đã thấm đẫm vào từng việc làm, lời nói, suy nghĩ của chúng ta-sao không thể hóa giải được một vấn đề nhỏ bé như câu chuyện trên? Phải chăng là vì vấn đề tiền bạc, vì sự câu thúc mệnh lệnh hành chính từ trên xuống từng trường, lớp, từng thầy, cô giáo. Để rồi trước các em nhỏ bé bỏng, yếu ớt, chưa có khả năng tự bảo vệ và chống trả, chúng ta là những người trưởng thành tự cho mình có quyền vô tình hoặc cố ý gây tổn thương các em nhằm đạt được mục đích của mình?!

Ứng xử với trẻ em nói chung và với học sinh trong nhà trường giờ đây luôn được dư luận quan tâm đặc biệt. Đó là dấu hiệu của xã hội ta đang ngày càng phát triển văn minh, tiến bộ. Câu chuyện ở Hương Sơn, Hà Tĩnh thật đáng buồn nhưng cho chúng ta thấy việc yêu thương, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đang đặt ra với người lớn những điều tưởng rằng đã hiểu, đã biết nhưng thực hành lại có nhiều khó khăn, thách thức khi xây dựng môi trường giáo dục hiện đại, nhân ái trong bối cảnh kinh tế thị trường.Với trẻ em, khi chúng ta gây tổn thương chúng, cũng là làm tổn thương mình.

TRẦN HOÀI