QĐND - Tại hội nghị triển khai công tác năm 2014 của vùng Tây Nguyên mới đây, một lần nữa vấn đề quản lý, bảo vệ rừng được đưa ra bàn thảo. Ý kiến của lãnh đạo các tỉnh, cũng như của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều cho rằng, những năm gần đây, Tây Nguyên nổi lên là địa bàn trọng điểm về vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Bình quân mỗi năm lực lượng chức năng phát hiện hàng nghìn vụ vi phạm. Đáng lo ngại là, tại một số địa bàn đã hình thành các tụ điểm, đường dây phá rừng có tổ chức, gây hậu quả nghiêm trọng khiến cho diện tích rừng suy giảm nhanh, chất lượng rừng ngày một nghèo kiệt. Chỉ tính trong vòng 5 năm trở lại đây, diện tích rừng tự nhiên ở Tây Nguyên đã giảm gần 130 nghìn héc-ta. Hiện toàn vùng chỉ còn 1,8 triệu héc-ta rừng, đạt tỷ lệ độ che phủ 52,46%.
Một trong những giải pháp quan trọng nhằm bảo vệ rừng ở Tây Nguyên được hội nghị thống nhất cao là: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ dừng việc khai thác rừng tự nhiên trên địa bàn Tây Nguyên từ năm 2014 đến năm 2020. Việc dừng khai thác rừng tự nhiên sẽ làm giảm nguồn thu cho ngân sách của các tỉnh Tây Nguyên, nhưng đây được xem là biện pháp hữu hiệu, nhằm bảo vệ và phát triển vốn rừng, nâng độ che phủ, mang lại lợi ích to lớn về môi trường sinh thái và phòng, chống thiên tai. Việc đóng cửa rừng tự nhiên tại Tây Nguyên sẽ chấm dứt được tình trạng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng chỉ tiêu khai thác gỗ để tranh thủ khai thác gỗ lậu, trà trộn gỗ lậu vào gỗ khai thác theo chỉ tiêu, quay vòng giấy phép khai thác để trục lợi. Dừng khai thác rừng tự nhiên vùng Tây Nguyên từ nay đến năm 2020 cũng là cơ hội để các chủ rừng có điều kiện chăm sóc tu bổ, làm giàu vốn rừng.
 |
Phát dọn thực bì nhằm giảm nguy cơ cháy rừng. Ảnh: TTXVN
|
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là song song với việc đóng cửa rừng, các tỉnh Tây Nguyên cần tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ rừng; các ngành chức năng và chủ rừng phải đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác lâm sản, săn bắt động vật hoang dã quý hiếm, phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép; tập trung rà soát diện tích rừng hiện có, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để quản lý, bảo vệ có hiệu quả. Chủ rừng cần thường xuyên kiểm tra, thống kê diện tích rừng bị phá và lấn chiếm để tổ chức cưỡng chế, thu hồi, giải tỏa và có kế hoạch phục hồi trồng lại rừng. Chính quyền cần kiên quyết di dời các cơ sở chế biến gỗ trong rừng, gần rừng vào khu quy hoạch; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định Nhà nước, tiêu thụ gỗ lậu, tiếp tay cho lâm tặc.
Bên cạnh đó, các tỉnh Tây Nguyên cũng cần có biện pháp hỗ trợ số lao động dôi dư, thiếu việc làm do việc đóng cửa rừng, tạo điều kiện cho số lao động này được đào tạo nghề, giải quyết việc làm mới, ổn định cuộc sống. Đối với những doanh nghiệp chế biến gỗ đang hoạt động trên địa bàn cũng cần được quan tâm tạo điều kiện thay đổi nguyên liệu từ gỗ rừng tự nhiên sang gỗ rừng trồng, hoặc gỗ nhập khẩu; trong trường hợp doanh nghiệp phải chuyển đổi ngành nghề, cũng cần được xem xét, tạo điều kiện thuận lợi nhất.
Việc dừng khai thác rừng tự nhiên trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên trong thời điểm hiện nay là phù hợp và cần thiết, nhằm hướng đến mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Nhưng, song song với việc đóng cửa rừng, các tỉnh Tây Nguyên cần phải quan tâm giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh trong đời sống kinh tế và xã hội.
KIỀU BÌNH ĐỊNH