QĐND - Sáng 3-10, ở tọa độ (20.99 độ Vĩ Bắc, 106.81 độ Kinh Đông) thuộc khu vực Kiến An (Hải Phòng) đã xảy ra trận động đất 4,4 độ richter với độ sâu tâm chấn 15km. Dù  là trận động đất yếu không có khả năng gây thiệt hại nhưng dư chấn của động đất lan rộng tới  một số tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, Hà Nội khiến nhiều người hoảng loạn. Trong khi đó, thời gian qua, người dân huyện Bắc Trà My, Quảng Nam cũng đang khốn đốn đương đầu với hàng loạt trận động đất liên tục xảy ra. Mặc dù chưa có những thiệt hại về người nhưng những trận động đất dày dần về số lượng, tăng dần về cường độ đang gây ra tâm lý bất an, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và lao động sản xuất của người dân.

Ảnh minh họa/Internet

 

Theo các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm dự báo động đất sóng thần (Viện Vật lý địa cầu, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), lịch sử đã ghi nhận ở nước ta nhiều trận động đất lớn, thậm chí lên đến 6,8 độ richter. Nhiều thành phố lớn, kể cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cũng có thể hứng chịu động đất. Thế nhưng người dân, đặc biệt là người dân ở các khu đô thị lớn, nơi có nhiều tòa nhà cao tầng có nguy cơ thiệt hại đáng kể khi xảy ra động đất, lại còn khá mơ hồ trước những hiểu biết căn bản để tự phòng tránh hậu quả đáng tiếc đối với bản thân và gia đình khi động đất xảy ra.

Thực tế là trong nhiều trận động đất, ngoài việc chạy ra đường để tránh nguy hiểm từ va đập, cháy nổ, sập nhà… thì người dân không còn biết làm gì khác để bảo vệ tính mạng và tài sản của mình. Tuy nhiên, việc tìm mọi cách tháo chạy ra khỏi nhà trong cơn hoảng loạn dễ dẫn đến chen lấn, xô đẩy, tạo nên mối nguy hiểm với tính mạng người dân. Từ đó cho thấy, khi xảy ra động đất, nếu chúng ta không có những hiểu biết nhất định để xử lý một cách bình tĩnh, kịp thời và an toàn thì rất có thể sẽ xảy ra hậu quả khôn lường.

Nhật Bản là quốc gia có nguy cơ động đất thuộc vào nhóm cao nhất thế giới. Tuy nhiên, thiệt hại về người và của sau mỗi trận động đất ở quốc gia này luôn được hạn chế ở mức thấp. Trẻ em Nhật Bản được dạy cách ứng phó khi xảy ra động đất ngay từ những bài học đầu tiên khi đến trường. Ở nước ta, gần đây cũng có một số hoạt động hữu ích nhằm tìm hiểu, trang bị kiến thức và hiểu biết về nguy cơ từ động đất như những buổi ngoại khóa ở các trường THPT ở Gia Lai, Yên Bái… Tuy nhiên, đây là những con số quá khiêm tốn so với số lượng trận động đất đang xảy ra ngày càng nhiều trên diện rộng, đe dọa tính mạng của chúng ta bất cứ lúc nào.

Với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, các nhà chuyên môn đã có thể dự đoán nguy cơ xảy ra động đất. Tuy nhiên, việc phòng tránh thiệt hại từ động đất, sóng thần và thiên tai bão lũ không chỉ trông chờ ở trách nhiệm của riêng các nhà khoa học. Mỗi người dân cần phải nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của bản thân trước thiên tai. Đã đến lúc chúng ta cần cung cấp thông tin, trang bị những kiến thức cơ bản về phòng tránh động đất cho mỗi người dân, thậm chí là đưa những kiến thức này vào sách giáo khoa, để trang bị cho học sinh ngay từ trong nhà trường. Có như vậy mới có thể phòng tránh, hạn chế được hậu quả đáng tiếc khi động đất xảy ra.

TRẦN DUY VĂN