Chầu vui này ắt hẳn là sự kiện đáng nhớ, như vừa phá kỷ lục quốc gia, vừa mua được chiếc xe máy mới hay vừa lấy được tấm bằng cử nhân. Trong những cuộc vui ấy, VĐV khuyết tật không quên hỏi thăm nhau về hoàn cảnh; khoe những tấm ảnh vừa mới đi nghỉ cùng gia đình; khoe nụ cười con trẻ, niềm vui của bố mẹ... Những lúc đó, cảm giác VĐV khuyết tật là những con người hết sức bình dị, như bao mảnh đời xuôi ngược đang mưu sinh.

Chính những thành công trong thể thao giúp VĐV thể thao người khuyết tật có thêm niềm tin vào cuộc sống. Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam dự các kỳ ASEAN Para Games, Asian Para Games, Paralympic… đều nhận được sự quan tâm, đầu tư xứng tầm của các cấp, các ngành. Các VĐV thể thao người khuyết tật không chỉ được tập luyện ở trong nước mà còn được tập huấn ở nước ngoài để nâng cao thành tích và cũng là để bằng bạn bằng bè. 

leftcenterrightdel
Nụ cười của các vận động viên khuyết tật. Ảnh: tienphong.vn. 
Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao, Ủy ban Olympic Việt Nam, Hiệp hội Thể thao Người khuyết tật Việt Nam lâu nay bằng nhiều cách, nhiều hình thức đã đẩy mạnh sự quan tâm tới thể thao người khuyết tật. Nhìn rộng ra toàn xã hội, việc chăm lo và tạo mọi điều kiện để người khuyết tật phục hồi các chức năng bị khiếm khuyết của mình, phục hồi sức khỏe, chủ động hòa nhập vào cuộc sống của gia đình và xã hội là chủ trương lớn, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước. Sự ra đời của Hiệp hội Thể thao Người khuyết tật Việt Nam vào năm 1995 là sự kiện quan trọng, thể hiện sinh động chủ trương, chính sách này; đồng thời cũng nói lên truyền thống cao đẹp “tương thân tương ái”; “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta.

Từ sự quan tâm của xã hội, các VĐV thể thao người khuyết tật cũng dần rũ bỏ sự mặc cảm, tự tin “đứng lên” làm chủ số phận, bày tỏ ước nguyện, khát khao chiến thắng. Những tấm huy chương danh giá của Lê Văn Công (cử tạ), Võ Thanh Tùng (bơi)… ở Paralympic Rio 2016, ASEAN Para Games 2017 diễn ra tại Malaysia đã minh chứng cho sức mạnh của thể thao người khuyết tật Việt Nam. Qua đó, bạn bè thế giới biết rõ hơn sự quan tâm về vật chất lẫn tinh thần mà Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng như các cấp, ngành, các đoàn thể xã hội dành cho VĐV khuyết tật nói riêng, người khuyết tật nói chung.

Mến mộ tài năng, khâm phục ý chí, nghị lực của VĐV khuyết tật Việt Nam, các trung tâm thể thao uy tín ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Vương quốc Anh, châu Âu… thường xuyên mời các VĐV khuyết tật Việt Nam sang giao lưu, tập huấn. Trong những chuyến đi bổ ích, lý thú như vậy, các VĐV khuyết tật Việt Nam đã giúp bạn bè năm châu hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam qua những trận giao hữu bóng bàn, cầu lông, những màn tranh tài trên đường đua xanh… đầy tình hữu nghị.

Nhìn lại hành trình của thể thao người khuyết tật trong thời gian qua, không khó để cảm nhận rất nhiều VĐV khuyết tật đã vươn lên mạnh mẽ, không chỉ giành chiến thắng trong các cuộc đấu mà còn chiến thắng chính số phận. Họ có thể thiếu đi đôi chân, mất đi bàn tay, đi lại không bình thường… nhưng nhờ có thể thao, nhờ có sự quan tâm, thương yêu của xã hội, họ đã dần hòa nhập vào đời thường để viết nên bao câu chuyện đẹp như trong thế giới cổ tích. Nghị lực vượt khó, vươn lên của các VĐV khuyết tật cũng là một giá trị sống đang lan tỏa trong xã hội.

MINH MINH