“6 không” gồm: Không xây dựng trái phép; không lấn chiếm đất công; không mua bán dưới lòng đường, vỉa hè; không để xe, biển quảng cáo sai quy định; không đổ, vứt chất thải, rác thải ra đường; không bao che, tiếp tay cho các hành vi sai phạm. Ở một vùng ven đô cũ vốn nghèo, chật chội, qua vài đợt sóng đô thị hóa nhiều phần tự phát nhà cửa mọc lên chen chúc lại càng trở nên chật hẹp thì để đạt được mục tiêu “6 không” đương nhiên không hề dễ dàng.
Người Hà Nội nói chung rất ngại đi đến các phường, các ngõ như Khương Đình. Ở đây nhiều ngõ, ngách nhỏ khó tìm, khó đi đã đành mà cửa hiệu, hàng rong, chợ tạm, chợ cóc lấn tràn ra đường nhiều khi vướng cả lối đi.
Nếu người dân hai bên đường không tự thu xếp, dọn hàng quán thì cảnh ùn tắc, va quệt xe cộ, mất vệ sinh cứ luôn xảy ra mà không lực lượng chức năng nào có đủ nhân lực để kiểm soát, điều chỉnh. Thế mà địa bàn dân cư số 1 của phường đã làm được. Bắt đầu từ chi bộ Đảng do cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Cường làm bí thư. Cùng với ban công tác mặt trận và các đoàn thể chi bộ đã trực tiếp vận động từng hộ gia đình, từng người buôn bán, giúp họ hiểu rõ thực tế và chủ trương chung của thành phố trong xây dựng, giữ gìn các chuẩn mực văn minh đô thị. Tiếp đó là tổ chức từng hộ cam kết đồng thời với việc lập ra các tổ tự quản hằng ngày kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở những hộ kinh doanh thực hiện cam kết, bảo đảm đường thông, hè thoáng, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường…
Kinh nghiệm thành công “6 không” ở địa bàn dân cư số 1 thuộc phường Khương Đình, cũng như tại nhiều phố phường, làng xóm, khu dân cư trong cuộc vận động giành lại vỉa hè nói riêng và thực hiện nếp sống văn minh đô thị nói chung ở Hà Nội một lần nữa cho thấy vai trò của tổ chức đảng và các đoàn thể xã hội ở cơ sở. Một khi chi bộ xác định được những mục tiêu, nhiệm vụ thiết thực và quyết tâm hành động thì mỗi chi bộ thực sự trở thành trung tâm đoàn kết tạo nên sự đồng thuận, đồng lòng trong nhân dân. Và đó chính là cơ sở để bảo đảm cho sự bền vững của các phong trào, các hoạt động từ cơ sở và kỷ cương, trật tự xã hội.
Chúng ta biết rằng cuộc sống ở mọi khu dân cư có vô vàn thứ có tên và không tên. Ngoài những chuyện đường thông hè thoáng, trật tự vệ sinh… là còn nhiều chuyện phức tạp phải làm từ phòng chống cháy, nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, điện nước, buôn bán hàng lậu, hàng giả đến bạo hành, bất bình đẳng trong gia đình, rồi nữa là chăm lo người cao tuổi, đối tượng chính sách, giáo dục, chăm sóc trẻ em, đến phòng chống các tệ nạn xã hội… Nghĩa là “6 không” là chưa đủ. Nhưng mỗi nơi, mỗi lúc phải biết chọn lựa những mục tiêu, những công việc cần làm và có thể làm để thực hiện dứt điểm. Nếu nơi này là “5 không 3 có”, thì nơi khác là “4 không”, “3 không”, “4 có” tùy thời điểm.
Vấn đề là các cấp chính quyền và hệ thống chính trị các cấp cần chỉ đạo, tạo điều kiện cho các chi bộ phát huy vai trò lãnh đạo và lợi thế gần dân để vận động và sát cánh cùng nhân dân thực hiện mọi việc làng, việc phố. Có chi bộ tốt, có người tốt, có việc làm, phong trào tốt và ngược lại có nhiều việc làm, phong trào tốt thì càng có thêm người tốt.
NGUYỄN ANH