Bên cạnh các tiêu chí theo quy chuẩn chung, nhiều cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đã có cách làm sáng tạo, sưu tầm, bổ sung hình ảnh, hiện vật, tư liệu về chủ đề Bác Hồ với tôn giáo, tín ngưỡng để làm phong phú, sinh động Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

"Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" tại Tịnh thất An Hòa, (TP Thủ Đức-TP Hồ Chí Minh). Ảnh: HNMO 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng tôn giáo, tín ngưỡng và dành sự quan tâm sâu sắc, tình cảm đặc biệt đối với đồng bào các tôn giáo. Người căn dặn: Lương-giáo đoàn kết, toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng, nhân dân ta nhất định sẽ thắng lợi... Trong môi trường tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào mình, Bác Hồ được nhân dân tôn kính, thờ phụng.

Mới đưa vào hoạt động và đang trong quá trình phát triển, hoàn thiện, nhưng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã tạo sự gắn kết hài hòa giữa mô hình văn hóa đặc sắc với các hình thức tín ngưỡng trong các cơ sở tôn giáo. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh làm tăng tính tôn nghiêm, tô đậm giá trị tín ngưỡng gắn với bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện niềm tôn kính của đồng bào các tôn giáo đối với Bác Hồ. Đó còn là minh chứng thể hiện việc học tập, làm theo Bác trong cộng đồng bà con giáo dân, tăng ni, phật tử... đã trở thành nét đẹp văn hóa, nhu cầu tự thân, hành động tự nguyện, tự giác.

PHAN TÙNG SƠN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.