Quy trình là những quy định mang tính bắt buộc, mà khi thực thi công vụ, cấp ủy, tổ chức, đơn vị và mọi cá nhân có liên quan đều phải tuân thủ nghiêm ngặt. Vì vậy, khi xây dựng quy trình trong mọi lĩnh vực của đời sống, các cơ quan chức năng đều xem xét kỹ lưỡng, thận trọng, toàn diện, bảo đảm việc triển khai chặt chẽ, khoa học, thống nhất và đạt chất lượng cao. Mặt khác, tùy theo sự phát triển của xã hội, ở từng thời kỳ, với những yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn đặt ra, các cơ quan chức năng đều nghiên cứu, thận trọng xem xét, bổ sung kịp thời các quy định phù hợp, hiệu quả.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa/ baogiaothong.vn 

Vậy, vấn đề đặt ra là vì sao quy trình được xây dựng cẩn trọng, chặt chẽ; được bổ sung thường xuyên, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhưng vẫn để xảy ra không ít sai phạm trong thực tiễn. Xem xét, phân tích sâu sắc một số vấn đề, sự việc xảy ra thời gian qua có thể khẳng định: Lỗi không phải do quy trình. Vậy, vấn đề bắt nguồn từ đâu? Đó chính là việc không ít cấp ủy, tổ chức, cơ quan, đơn vị lợi dụng quy trình nhằm “hợp thức” ý chí của một người hoặc một nhóm người trong những phần việc, lĩnh vực cụ thể. Đơn cử như khi bổ nhiệm, đề bạt một cá nhân, tổ chức đều tiến hành lấy phiếu thăm dò, đánh giá uy tín của cán bộ ở từng cấp, từng đối tượng. Tuy nhiên, mức độ và uy tín thế nào thì người được hỏi ý kiến không được biết. Bởi vậy, tỷ lệ phiếu được thăm dò đối với một cán bộ cụ thể cao hay thấp phụ thuộc hoàn toàn vào sự trung thực, khách quan của những cán bộ được giao. Cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, nhất là cấp Trung ương dù rất sâu sát, cẩn trọng, cũng khó có điều kiện để biết được thực chất tỷ lệ tín nhiệm của cán bộ.

Hoặc trong các lĩnh vực về kinh tế, khi xảy ra sai phạm, không ít tổ chức, cá nhân đều khẳng định đã thực hiện theo đúng quy trình. Nghĩa là, việc triển khai một dự án cụ thể đã lập hồ sơ, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, điều đáng nói là nội dung báo cáo so với thực tiễn thì mức độ chính xác đạt được bao nhiêu phần trăm? Cùng với đó, các cơ quan thẩm định đã thực sự khách quan khi đánh giá những tác động của dự án đối với những vấn đề liên quan?

Việc thực hiện đúng quy trình hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan, động cơ và tri thức của những người thực hiện. Điều đó cho thấy, để tránh việc lợi dụng quy trình nhằm hợp thức hóa mục đích cá nhân, trước hết từng cấp ủy, tổ chức, cơ quan, đơn vị cần quan tâm, lựa chọn những cán bộ có phẩm chất đạo đức tham gia giám sát việc triển khai thực hiện những phần việc, nhiệm vụ liên quan; nhất là trong việc đánh giá, xem xét đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Một việc làm cụ thể, nếu để xảy ra sai sót, có thể có những cách khắc phục hiệu quả, nhưng nếu lựa chọn một cán bộ không tốt, thiếu phẩm chất đạo đức và tri thức thì hậu quả sẽ khôn lường. Hơn nữa, khi phát hiện có những sai sót trong từng nhiệm vụ, phần việc, thì không chỉ xử lý nghiêm những người trực tiếp liên quan, mà cần xem xét đến trách nhiệm của những cán bộ tham gia thẩm định; đề xuất ý kiến với cấp có thẩm quyền. Chỉ khi gắn được trách nhiệm cụ thể vào từng cán bộ, công chức, viên chức đối với từng phần việc, nhiệm vụ, thì khi đó quy trình mới không bị “mang tiếng” oan sai.

LÊ LONG KHÁNH