Thế nhưng năm nay, khi dịch Covid-19 tàn phá nặng nề khiến không ít doanh nghiệp lao đao, chật vật, việc thưởng Tết nhiều người nghĩ sẽ rất khó khăn. Cơ quan chức năng dự báo, mức thưởng của doanh nghiệp Tết này sẽ giảm. Nhưng không...!

Những ngày cuối năm 2021, đã có khá nhiều doanh nghiệp trên địa bàn cả nước công bố số tiền thưởng Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần cho người lao động. Điều đáng mừng là, mức thưởng phần lớn đều tăng hơn năm trước. Trong đó, tại TP Cần Thơ, mức thưởng Tết dương lịch 2022 cao nhất là gần 130 triệu đồng thuộc về một doanh nghiệp FDI (tăng hơn năm 2021 gần 21 triệu đồng).

 Doanh nghiệp cần quan tâm, chăm lo, động viên công nhân. Ảnh minh họa: TTXVN.

Tại TP Hồ Chí Minh, mức thưởng bình quân cho người lao động Tết dương lịch là gần 4,1 triệu đồng/người (cao hơn khoảng 700.000 đồng so với năm 2021); thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần, mức cao nhất lên tới gần 1,3 tỷ đồng, trong khi năm 2021, cao nhất gần 1,1 tỷ đồng. Tại Đà Nẵng, một doanh nghiệp công bố thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần với mức thưởng cao nhất lên tới 1,43 tỷ đồng, gấp 11 lần so với năm 2021...

Điểm qua những con số đó để thấy rằng, mặc dù phải gánh chịu hậu quả nặng nề của dịch bệnh, nhưng các doanh nghiệp đã nỗ lực vượt bậc, không những để tồn tại mà còn tích cực chăm lo cho người lao động đón năm mới 2022 và mừng Xuân Nhâm Dần vui tươi, xôm tụ. Dẫu biết rằng, mức thưởng Tết cho người lao động không phải là thước đo duy nhất năng lực của doanh nghiệp, nó phụ thuộc vào tình hình kinh doanh và tiến độ hoàn thành kế hoạch sản xuất của từng doanh nghiệp, nhưng sự nỗ lực cao độ đó rất đáng ghi nhận!

Điều này không chỉ thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, khích lệ người lao động đã góp công, góp sức để doanh nghiệp bám trụ, vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, từng bước ổn định và phát triển sau đại dịch mà còn là biện pháp giữ chân người lao động gắn bó với doanh nghiệp, thu hút nguồn nhân lực để vực dậy sản xuất, hoàn thành các chỉ tiêu, đơn hàng dịp cuối năm.

Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ lực để tăng tiền thưởng Tết. Cá biệt, có những doanh nghiệp không chỉ ngậm ngùi cắt giảm khoản động viên cuối năm mà còn nợ lương công nhân, tiết kiệm tối đa các khoản chi tiêu với mong muốn gắng gượng tồn tại, chờ đợi thời cơ vượt khó.

Những doanh nghiệp này đang rất cần sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của chính quyền và các ngành, các cấp để vươn lên, trước hết là bảo đảm việc làm và cuộc sống cho người lao động. Cùng với đó là tinh thần sẻ chia và sự đồng cảm của người lao động đối với doanh nghiệp trong lúc khó khăn, thể hiện thông qua ý thức trách nhiệm và sự nỗ lực làm việc nhiều hơn để chung tay cùng doanh nghiệp vượt qua thách thức trong hành trình hồi phục và phát triển.

Thực tế cho thấy, thưởng Tết không phải là lý do duy nhất để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Điều quan trọng là sự quan tâm, chăm lo, động viên công nhân và gia đình của họ cùng các chế độ ưu đãi trong suốt quá trình làm việc; xây dựng môi trường sống lành mạnh, quan hệ hài hòa, đoàn kết và tiến bộ giữa người lao động và người sử dụng lao động mới là sợi dây gắn kết bền chặt, giữ chân người lao động. Làm được điều này thì ngay cả khi doanh nghiệp gặp khó khăn vì lý do bất khả kháng, người lao động sẽ luôn đồng hành, sẻ chia để qua cơn bĩ cực mà không câu nệ thưởng nhiều, thưởng ít... 

CHÂU GIANG