Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có những giấy khen dành tặng các cháu bậc học mầm non được hiệu trưởng nhà trường đánh giá "học sinh xuất sắc", "học sinh tiên tiến". Được nhận giấy khen, nhưng các cháu không biết đọc nên không biết khen thưởng điều gì. Còn giấy khen tặng học sinh bậc tiểu học thì cũng đa dạng hình thức đánh giá, nhận xét kết quả học tập. Tặng giấy khen cho học sinh kiểu "trăm hoa đua nở" như thế có đánh giá đúng thực chất kết quả học tập và phù hợp với lứa tuổi, bậc học? hay đây là một trong những biểu hiện của "bệnh thành tích" trong giáo dục ở các nhà trường?
Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn.
Đánh giá kết quả học tập, nhận xét sự tiến bộ của học sinh là công việc hệ trọng. Sẽ ra sao khi nhà trường, gia đình, xã hội đang giáo dục, dạy dỗ học sinh cần nêu cao tính trung thực, thật thà thì chính các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh lại vì muốn con em mình có thành tích cao mà đánh giá, cho điểm không đúng thực chất? Mới đây, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho biết: Có tới 1.000 hồ sơ học sinh được điểm 10 môn văn hoặc toán liên tục ở bậc tiểu học trong số 4.000 hồ sơ xét tuyển vào lớp 6 của nhà trường trong 2 năm qua; cứ 10 hồ sơ thì có 3 em đoạt giải thưởng các loại. Theo PGS Văn Như Cương, con số trên đã phản ánh "căn bệnh thành tích" đã trở nên phổ biến và ăn sâu trong ngành giáo dục và tâm lý của các bậc cha mẹ học sinh. Vì vậy, cần phải có biện pháp khắc phục tình trạng này.
Những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có nhiều chủ trương, biện pháp đổi mới phương pháp đánh giá kết quả, nhận xét sự tiến bộ của học sinh. Như việc ban hành Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về đánh giá học sinh tiểu học... Nhờ đó, việc đánh giá, nhận xét học sinh của các nhà trường đã có những chuyển biến theo hướng tích cực, từng bước khắc phục tình trạng "phổ cập" học sinh giỏi ở bậc tiểu học. Song, để việc đánh giá học sinh thực chất, bền vững, Bộ GD&ĐT, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu các biện pháp phù hợp, triển khai thống nhất trong cả nước. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các nhà trường, cơ sở giáo dục sai phạm. Bộ GD&ĐT phối hợp với các ngành, các cấp, địa phương tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh, không chạy theo thành tích, muốn có "bảng điểm đẹp" cho con em mình. Cần đổi mới hình thức khen thưởng phù hợp, thiết thực cho học sinh, thực sự khen ngợi học sinh chứ không vì để cho phụ huynh hài lòng, như việc tặng giấy khen cho các cháu bậc học mầm non. Cần giáo dục cho học sinh thấy rõ ý nghĩa khen thưởng, tạo động lực phấn đấu học tập, giành kết quả cao hơn. Sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục học sinh sẽ tạo cho thế hệ trẻ phát triển lành mạnh, thực sự là chủ nhân của đất nước sau này.
HƯƠNG HỒNG THU