Ở nước ta, việc phát triển đô thị đang chủ yếu tập trung khai thác không gian mặt đất và trên không. Không gian ngầm mới chỉ bước đầu được khai thác phục vụ các nhu cầu đơn giản, với quy mô chưa lớn, như lắp đặt đường ống cấp nước, cống thoát nước; hạ ngầm đường điện, cáp quang...; xây dựng, khai thác tự phát các tầng hầm gắn liền với mỗi tòa nhà cao tầng hoặc một cụm tòa nhà cao tầng; xây dựng một số hầm ngầm vượt nút giao thông, một số đoạn tuyến tàu điện ngầm đô thị.

Thực tiễn cho thấy, giao thông ở nhiều đô thị Việt Nam đều đang quá tải trầm trọng. Quỹ không gian mặt đất dành để phát triển hệ thống giao thông nội đô gần như đã không còn. Muốn mở rộng tuyến đường giao thông nội đô, các đô thị sẽ phải thu hồi quỹ đất hai bên đường với chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư khổng lồ. Do vậy, không gian ngầm đang là dư địa rất tốt để phát triển hệ thống giao thông đô thị, giảm ùn tắc giao thông trên mặt đất.

Người dân tập thể dục trong khu vực hầm đi bộ Ngã Tư Sở. Ảnh minh họa: TTXVN 

Kinh nghiệm khai thác hiệu quả không gian ngầm ở các nước phát triển cho thấy, để thu hút người dân sử dụng phương tiện giao thông ngầm, họ thực hiện kết nối nhiều công trình ngầm của khu đô thị, tòa nhà cao tầng, tạo thành một “hệ sinh thái” ngầm phục vụ tương đối đầy đủ nhu cầu của người dân khi sử dụng dịch vụ gắn liền với các công trình ngầm ấy. Là nước phát triển sau, Việt Nam có lợi thế rất lớn, có thể rút kinh nghiệm từ các nước đi trước trong xây dựng, khai thác không gian ngầm. Chúng ta cần nghiên cứu kỹ kinh nghiệm từ các nước phát triển trước để xây dựng không gian ngầm đồng bộ hơn, tiện lợi hơn cho người sử dụng với chi phí xây dựng tiết kiệm hơn, tránh lặp phải sai lầm mà các nước phát triển trước đã gặp phải.

Việc nghiên cứu, xây dựng, ban hành quy hoạch không gian ngầm và bộ tiêu chuẩn áp dụng thống nhất cho công trình khai thác không gian ngầm tại các đô thị là yêu cầu cấp thiết hiện nay, cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Nếu để doanh nghiệp, người dân tự phát xây dựng các công trình ngầm không theo bộ tiêu chuẩn chung, nhất là về độ sâu của mỗi tầng hầm thì khi kết nối, liên thông giữa các công trình ấy để tạo thành “hệ sinh thái” dưới lòng đất sẽ tạo ra sự nhấp nhô, thiếu đồng bộ và chúng ta sẽ phải bỏ ra nhiều tiền của, công sức hơn để khắc phục.

Người dân có thể dễ dàng di chuyển tới mọi địa điểm mà không cần đi lại trên mặt đất; có thể xem phim, mua sắm, chơi thể thao dưới lòng đất. Đường giao thông trên mặt đất thông thoáng hơn, có nhiều hơn không gian mặt đất để phát triển công viên, vườn hoa và cảnh quan đô thị. Đó là hình ảnh hiện tại của nhiều đô thị lớn trên thế giới. Hy vọng, Việt Nam ta cũng sớm có nhiều đô thị như vậy!

CHIẾN THẮNG