Người dân trên phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội) lo lắng vì việc tháo dỡ nhà cao tầng có thể gây mất an toàn cho cư dân lân cận. Ảnh: Hải Hoàng. 

Thạc sĩ Nguyễn Lương Bình (Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn công nghệ, thiết bị và Kiểm định xây dựng):

Phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình và người dân

Tại Thủ đô hiện nay, bên cạnh những công trình được phép xây dựng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội thì cũng có hàng loạt những công trình cao tầng vượt phép và trái phép ngang nhiên tồn tại, gây nên nhiều bức xúc cho người dân và các cơ quan quản lý. Việc xử lý và tháo dỡ công trình sai phép là việc cần phải làm, tuy nhiên, sẽ rất phức tạp và tốn kém. Do đó, rất cần sự quản lý chặt chẽ của Sở Xây dựng, thanh tra xây dựng, chính quyền địa phương để hạn chế tối đa những công trình sai phép.

Nhà cao tầng Việt Nam thường áp dụng giải pháp hệ kết cấu khung giằng, hệ thống vách lõi cứng chịu chủ yếu tải trọng ngang và có khả năng phân tán năng lượng lớn, hệ khung chủ yếu chịu tải trọng thẳng đứng; gần đây đã sử dụng kết hợp thêm kết cấu sàn và dầm chuyển dự ứng lực. Phần lớn nhà cao tầng cũng nằm lẫn trong các khu dân cư, xung quanh là nhà thấp tầng hoặc trong khu nhà cao tầng.

Do vậy, việc thực hiện phá dỡ phần công trình vi phạm là rất khó khăn và phức tạp, đặc biệt những phần vi phạm thuộc về phần ngầm thì không thể phá dỡ vì sẽ loại bỏ gần như toàn bộ công trình cả ở phần chìm lẫn phần nổi nếu đã thi công xong một phần hoặc toàn bộ phần thân công trình...Với tính chất của bê tông, khi phá dỡ các chấn động và rung động, chắc chắn sẽ làm om kết cấu bê tông cốt thép phần dưới, các cốt liệu bị rời rạc, cấu trúc bê tông cũng bị phá hủy. Bên cạnh đó, các nút khung, các nút liên kết giữa cột vách và dầm nối ở các vách cứng hay lõi cứng là những vị trí tập trung nội lực lớn, khi phá dỡ sẽ xảy ra hư hỏng cục bộ. Vì thế, biện pháp thi công giám sát cần hết sức chặt chẽ và nhà thầu thi công phá dỡ phải có đủ năng lực…Đặc biệt, cần đảm bảo an toàn lao động và môi trường đối với các nhà cao tầng ngay sát khu dân cư phía dưới.

Việc phá dỡ là bắt buộc đối với công trình đã vi phạm, tuy nhiên, cần xem xét cụ thể với từng đối tượng công trình, loại kết cấu, mức độ công trình hoàn thành, vị trí công trình, biện pháp phá dỡ, tiến độ… và tính đến các vấn đề khác liên quan để có biện pháp xử lý khác nhau nhằm yêu cầu phá dỡ toàn bộ hay một phần.

TS Trần Chủng (nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng-Bộ Xây dựng):

Kinh nghiệm thế giới không có “cắt ngọn”

Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy, hầu như không có việc cắt ngọn công trình. Thường chỉ có kéo sập, phá hủy toàn bộ tòa nhà bằng thuốc nổ, mìn công nghệ cao. Chỉ có riêng Việt Nam thường xuyên xảy ra việc để chủ công trình xây sai xong, lại phải cắt ngọn. Cho nên, cần phải tăng cường công tác quản lý, tốt nhất là ngăn chặn, không để xảy ra sai phạm, nếu không nhiều trường hợp rất khó giải quyêt.

Ví dụ, với công trình số 8B Lê Trực (Hà Nội), nếu “cắt” hết phần sai phạm công trình sẽ tan tành. Vì ngoài hạ độ cao 16m xây vượt, công trình phải cắt khoảng lùi ở các mặt của tòa nhà. Việc phá dỡ tòa nhà số 8B Lê Trực chắc chắn ảnh hưởng đến mặt kết cấu. Tòa nhà cũng giống như con người, chặt ngọn không khác gì chặt chân chặt tay. Vì thế cần nghiên cứu kỹ tác động của việc cắt ngọn tòa nhà có ảnh hưởng đến kết cấu còn lại không, việc phá dỡ thế nào để đảm bảo an toàn cho công trình và cả khu dân cư, từ an toàn vật liệu xây dựng, đến an toàn tiếng ồn, ô nhiễm…

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng):

Ngăn chặn xu hướng tối đa hóa lợi nhuận

Ở các nước phát triển đều có quy định chặt chẽ về xây dựng, khó có thể xây vi phạm. Ví dụ như ở Luân-đôn, thủ đô nước Anh, nơi quy hoạch nhiều nhà cổ, đã có một số công trình cao hơn quy định 10 tầng đều bị yêu cầu tháo dỡ hoàn toàn. Ở Việt Nam, đang có tình trạng đua nhau xây lấn đất, xây sai giấy phép để tối đa hóa lợi nhuận, có những dự án chỉ toàn nhà ở, các phần dịch vụ tiện ích cho cư dân thì không làm. Điều đó rất nguy hiểm bởi người dân bị cô lập với thế giới xung quanh, không có vườn hoa, ao hồ, khu vui chơi…Những công trình có số tầng sai phạm lớn khi cắt ngọn, nếu cắt giật cấp thì phải cùng cân, có các trụ đỡ vì nếu không cẩn thận có thể gây lệch tâm tòa nhà.