Theo đó, người mua thịt heo dùng điện thoại thông minh quét mã vạch của sản phẩm và nhận được đầy đủ thông tin nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm nhanh chóng. Những thông tin về sản phẩm được cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh phối hợp, kiểm tra, chứng nhận đạt chuẩn ở từng giai đoạn và từng khâu.

Lâu nay, “thực phẩm bẩn” là nỗi ám ảnh của mọi người, mọi nhà mà chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả, triệt để. Các ngành chức năng: Quản lý thị trường, nông nghiệp, y tế, truyền thông… liên tục cảnh báo, đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn “thực phẩm bẩn”. Tuy nhiên, bằng cách này, cách khác, “thực phẩm bẩn” vẫn xâm nhập vào mâm cơm của chúng ta.

leftcenterrightdel
 Nhận diện nguồn gốc thịt heo qua mã vạch bằng điện thoại thông minh. Ảnh: Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh. Nguồn: phununews.vn
“Thực phẩm bẩn” gây tác hại rất lớn đối với sức khỏe con người,  kéo lùi mục tiêu nâng cao chất lượng dân số. Ở khía cạnh khác, “thực phẩm bẩn” làm giảm nỗ lực quy hoạch vùng sản xuất và kéo lùi mục tiêu xây dựng thị trường kinh doanh lành mạnh, ổn định, phát triển bền vững.

Đối phó với “thực phẩm bẩn”, các cơ quan chức năng từ trung ương tới địa phương đã tăng cường kiểm tra, giám sát và đưa ra nhiều giải pháp, biện pháp. Người dân đã hướng về vùng nông thôn để đặt hàng thực phẩm sạch. Một số gia đình ở các thành phố, thị xã, khu đô thị… tận dụng không gian để trồng, nuôi, tạo ra thực phẩm sạch. Nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tình thế, chưa phù hợp, tiện lợi với cuộc sống hiện đại.

Xin chưa bàn tới nội dung, nhưng rõ ràng mục tiêu của Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo tại TP Hồ Chí Minh qua điện thoại thông minh, hướng người tiêu dùng tới sử dụng thực phẩm sạch là rất nhân văn. Nếu có kết quả tốt, chắc chắn người tiêu dùng và các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính sẽ ủng hộ. Phía cơ quan chức năng và nhà quản lý cũng sẽ đỡ vất vả hơn trong kiểm tra, kiểm soát…

Ý nghĩa của đề án là thế, nhưng trong quá trình thực hiện chắc chắn sẽ phát sinh những rào cản, khúc mắc. Điều quan trọng là các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ, phát hiện và có ngay các biện pháp tháo gỡ kịp thời. Cùng với đó, chúng ta cần có kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm thường xuyên. Mặt khác, cần nghiên cứu, nhân rộng đề án sang lĩnh vực trồng trọt, nuôi trồng thủy, hải sản và chế biến để tạo ra nhiều thực phẩm sạch phục vụ người tiêu dùng...

Thiết nghĩ, dù có nhiều giải pháp, kể cả những giải pháp mang tính pháp lý cao mà không có sự đồng thuận của các hộ sản xuất, kinh doanh thì “thực phẩm bẩn” vẫn tồn tại.  Thế nên, để diệt tận gốc “thực phẩm bẩn” thì vấn đề quan trọng vẫn là nâng cao ý thức cộng đồng, nhất là đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

ĐỨC TÂM