Do đặc thù nghề nghiệp nên hầu hết quân nhân đều xác định phải công tác xa nhà, có thời điểm phải bảo đảm quân số trực 100%. Dù đã lấy binh làm nghiệp, nhưng trong tâm khảm mỗi quân nhân vẫn ít nhiều hiện hữu nỗi niềm khắc khoải, cả sự lo lắng về hậu phương. Chính vậy, việc kết nối giữa "tiền tuyến" với hậu phương là phần việc quan trọng, cần duy trì chặt chẽ, hiệu quả; thể hiện tình cảm, trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị trong gắn kết hai phạm trù có quan hệ nội sinh, tương hỗ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Phải có một quân đội đánh giỏi và một hậu phương vững chắc”.

leftcenterrightdel
Giao lưu trực tuyến để người thân trò chuyện với các đồng chí đang làm nhiệm vụ tại Bệnh xá đảo Trường Sa. Ảnh: Báo Điện tử Đảng Cộng sản 

Thời gian qua, nhiều mô hình kết nối với hậu phương được các đơn vị trong toàn quân thực hiện khá hiệu quả. Ví như, trước khi chiến sĩ về nghỉ phép hoặc đi tranh thủ, cán bộ cấp đại đội thuộc Trung đoàn 209 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 12) soạn thư thông báo tình hình của chiến sĩ, thăm hỏi gia đình rồi gửi chiến sĩ mang về cho thân nhân; gia đình hồi âm qua điện thoại. Lại có đơn vị thành lập nhóm “Zalo hậu phương người lính” để liên lạc... Có thể thấy, dù chỉ là những cuộc gọi, những dòng tin nhắn động viên nhưng lại trở thành động lực mạnh mẽ để người lính thêm quyết tâm làm tốt nhiệm vụ. Thấu hiểu những công việc của người lính, hậu phương cũng cảm thấy an lòng, tin tưởng và sẻ chia. Đây cũng là một kênh thông tin hiệu quả giúp đơn vị nắm hoàn cảnh, tâm tư cán bộ, chiến sĩ, xác định chính xác biện pháp quản lý tư tưởng, giáo dục phù hợp.

Với sự phát triển của các phương tiện thông tin, những mô hình kết nối với hậu phương người lính như trên không khó để thực hiện, nhưng hiệu quả lại rất cao. Tiếc rằng, thời gian qua, một số cán bộ quản lý, nhất là cấp phân đội chưa thực sự chú trọng vào công việc xây “cầu nối” này. Một số đơn vị lại nặng về hình thức gửi quà tặng mà thiếu sự thăm hỏi, trực tiếp động viên hậu phương người lính, nhất là những gia đình quân nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Điều này dẫn đến khó khăn trong nắm bắt, quản lý tâm lý, tư tưởng của bộ đội trước những chi phối từ hoàn cảnh gia đình, xã hội.

Để bộ đội yên tâm công tác và hậu phương của người lính thực sự là bến neo đậu bình yên của cán bộ, chiến sĩ, các cơ quan, đơn vị cần chú trọng việc kết nối với hậu phương người lính. Vừa phát huy vai trò của công nghệ, phương tiện hiện đại, vừa đổi mới các mô hình sáng tạo; chủ động phối hợp với tổ chức đoàn thể địa phương để tiến hành linh hoạt các hoạt động kết nối thực chất, hiệu quả... Đó là những biện pháp cần hết sức quan tâm triển khai, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, quản lý bộ đội; đồng thời xây dựng mối đoàn kết quân dân ngày càng thêm bền chặt.

PHẠM KIÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.