Tôi ngẫm cũng thấy anh nói đúng. Chả riêng lần này mà lâu nay, rất nhiều lần được mời dự giao lưu, ra mắt sách, nhưng chưa thấy cuốn nào thực sự tạo đột phá về chất lượng. Số lượng đầu sách văn học, nhất là thơ, xuất bản nhiều và liên tục, nhưng sách hay thì hiếm, rất hiếm. Chỉ xem tựa sách trong số hàng chục cuốn đã được xuất bản, giới thiệu tại TP Hồ Chí Minh thời gian gần đây cũng phần nào hình dung được điều này. Ở mảng thơ, âm hưởng chung là một chút yêu, một chút giận hờn, một chút nuối tiếc, một chút tương tư, một chút tâm trạng vật vã, khổ đau, than thân trách phận, một chút triết lý, đạo lý, tín ngưỡng...
 |
Ảnh minh họa: TTXVN |
Ở mảng văn xuôi (tiểu thuyết, truyện dài, tập truyện ngắn...), điều gây chú ý ở một số cuốn sách không phải là nội dung, thông điệp tác phẩm mà là ở sự nổi loạn về tư duy sáng tác và những cựa quậy, bung phá về ngôn từ. Có khi, để gây sự chú ý của công chúng, tác giả cho sách của mình gắn mác “18+”, gọi tên các bộ phận sinh dục của con người một cách thô thiển, mô tả cảnh sinh hoạt tình dục rất thô tục... Khi chúng tôi hỏi một tác giả trẻ vừa ra mắt tập thơ mới về ý tưởng sáng tác, chị nói: “Em làm thơ như một cách để giải tỏa tâm trạng, bộc lộ cảm xúc cá nhân chứ không có mơ ước cao xa gì!”. Còn tài khoản cá nhân trên mạng xã hội của một số nhà văn, chia sẻ tâm sự của một tác giả tiểu thuyết mới ra mắt, thì rằng: Chị viết sex một cách mạnh bạo cốt để gây tò mò cho bạn đọc, bởi theo chị, nếu không viết như thế thì chả có ai chú ý!
Sự xuất hiện của những cuốn sách mà tác giả chỉ coi đó như là phương tiện để bộc lộ bản ngã, thỏa mãn cái “tôi” cá nhân, không quan tâm đến xu thế, khát vọng thời đại, khiến nhiều tác phẩm cứ na ná nhau về âm hưởng, phong cách, chủ đề... và tất nhiên là nó rất... nhạt.
Nhạt, bởi quanh đi quẩn lại chỉ có chuyện giường chiếu, buồn đau, thất tình, lừa lọc, bi ai... thì tác phẩm chưa và không bao giờ là đại diện cho số đông công chúng. Mà tác phẩm, muốn “lớn” được thì âm hưởng, thông điệp của nó phải chạm được đến trái tim, khát vọng của quần chúng. Khát vọng của quần chúng nhân dân chính là khát vọng thời đại. Khát vọng thời đại ngày nay là khát vọng về một Việt Nam phồn vinh, hùng cường...
Tất nhiên, nói như thế không phải “vơ đũa cả nắm”! Vẫn có những tác phẩm tốt, được tác giả tâm huyết tìm tòi, chăm chút kỹ lưỡng cho nội dung, hình thức, bút pháp... Những cuốn sách văn học vừa được xét để trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 5 là một ví dụ.
Tuy nhiên, xét trong mặt bằng chung thì quả là, sách hay chiếm tỷ lệ rất ít. Sự xuất hiện của quá nhiều cuốn sách nhạt, dễ dãi, chả khác gì đem rượu nhạt thết làng! “Rượu nhạt uống lắm cũng say...”! Nếu để bạn đọc “say” cái thứ nhạt ấy, rồi cũng ủ ê, ta thán, thực dụng... theo sách, thì đời sống văn hóa tinh thần của công chúng sẽ bị ảnh hưởng xấu.
Chúng ta đang thực hiện lộ trình sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh, gọn. Mong rằng các đơn vị xuất bản cũng sẽ “tinh, gọn” hơn trong công tác biên tập, thẩm định, cấp phép... có giải pháp kích cầu sách hay, hạn chế, giảm sách nhạt, nhảm trong môi trường văn hóa đọc.
PHAN TÙNG SƠN