QĐND - Gần đây, thuật ngữ “đô thị thông minh” xuất hiện khá nhiều trên các văn bản quản lý điều hành của các cơ quan Nhà nước, các phương tiện truyền thông và các diễn đàn xã hội của Việt Nam. Đô thị thông minh là thành phố hiện đại, có nền kinh tế thông minh, quản trị thông minh, giao thông thông minh, năng lượng thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh... Ở đó công nghệ thông tin và truyền thông được ứng dụng một cách hiệu quả. Chính quyền cung cấp các dịch vụ, tiện ích tới người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời sử dụng dữ liệu thu thập được từ cộng đồng để liên tục hoàn thiện các chính sách, dịch vụ công của thành phố, đáp ứng tối đa các yêu cầu của đại bộ phận người dân và doanh nghiệp. Phát triển đô thị thông minh đang là xu thế của nhiều quốc gia trên thế giới và nhiều nước đã gặt hái thành công từ mô hình này.

Ảnh minh họa / QĐND.

Ở nước ta, quá trình đô thị hóa đã và đang diễn ra với tốc độ khá nhanh. Hiện cả nước đã có gần 800 đô thị lớn, nhỏ. Các đô thị đang là đầu tàu kinh tế của từng vùng và cả nước. Khu vực đô thị hiện chỉ chiếm 10,26% diện tích đất tự nhiên, khoảng 33,6% dân số, song đóng góp tới 60% GDP và 70% tổng thu ngân sách cả nước. Thế nhưng, sự phát triển của đô thị của Việt Nam cũng đang đặt ra nhiều thách thức, nhiều vấn đề bức xúc cần phải được giải quyết, trong đó nan giải nhất là môi trường bị ô nhiễm, giao thông bị ùn tắc, dịch vụ y tế, giáo dục, hạ tầng kỹ thuật bị quá tải. Để giải quyết các vấn đề bức xúc nói trên, việc chuyển hướng phát triển đô thị Việt Nam theo mô hình đô thị thông minh là cần thiết, cấp bách và cũng phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, con đường đi đến đô thị thông minh không hề bằng phẳng. Đối với các đô thị Việt Nam, thách thức lớn nhất là hạ tầng kỹ thuật chưa đầy đủ và đồng bộ. Để sở hữu những căn hộ thông minh trong khu đô thị thông minh thì người dân bắt buộc phải chi trả một khoản chi phí nhất định trong quá trình sử dụng. Nếu không tuyên truyền, giải thích thỏa đáng thì nhiều người khó chấp nhận khoản tiền trả thêm này. Mặt khác từ đô thị bình thường đến đô thị thông minh cần phải có lộ trình thay đổi.

Để hướng tới đô thị thông minh, ngay từ bây giờ, khi quy hoạch đô thị, các nhà quy hoạch cần phải tính đến xu thế phảt triển của đô thị trong tương lai. Trong quá trình xây dựng đô thị cũng cần phải tính đến việc có thể tích hợp thêm các yếu tố của hạ tầng kỹ thuật hiện đại. Và quan trọng, cấp bách nhất là cần phải có cơ sở pháp lý cho việc xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam. Từ đó mới có các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư xây dựng đô thị thông minh, mới có chế tài bắt buộc phải quy hoạch đô thị thông minh… Trước mắt, rất cần có mô hình đô thị thông minh thí điểm, công trình thông minh thí điểm nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho một bộ phận dân cư hoặc từng hộ gia đình, từ đó lan tỏa ra cộng đồng.

Điều quan trọng nhất của đô thị thông minh là phải có sự quản lý thông minh bằng những con người thông minh thực sự. Chúng ta không thiếu những con người thông minh, vấn đề quan trọng là phải thông minh khi chọn lựa, sắp xếp những con người này.

ĐỖ PHÚ THỌ