Những hiện vật ấy không đơn thuần là kỷ vật, mà là phần ký ức sống động gắn liền với Bác, được gìn giữ bằng tình cảm sâu nặng và niềm tri ân chân thành. Người trao và người nhận không chỉ lưu giữ lịch sử mà còn góp phần lan tỏa tinh thần giản dị, khiêm nhường, tận tụy và lòng yêu nước của Bác Hồ đến với cộng đồng hôm nay.

Bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ lập thành tích xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, trưng bày tại Triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tinh hoa dân tộc, Tầm vóc thời đại”, nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 / 19-5-2025).
 

Không ngẫu nhiên mà những vật dụng đời thường như chiếc bút, lọ hoa, bức ảnh Bác đến thăm đêm giao thừa, hay trang thư viết tay của Bác lại được người dân nâng niu như báu vật. Bởi đằng sau sự giản dị ấy là một dòng chảy ký ức lịch sử sống động, nơi hình ảnh Bác hiện hữu gần gũi giữa đời sống thường nhật, sống mãi trong tâm hồn người Việt qua từng hành động, từng suy nghĩ và lời nói.

Trong văn hóa Việt, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là vị lãnh tụ cách mạng mà còn là biểu tượng của sự gắn bó keo sơn giữa cán bộ với quần chúng. Mối quan hệ ấy được xây dựng không bằng những khẩu hiệu hô hào, mà bằng sự gần gũi, chân thành, như việc Bác quan tâm từng bữa cơm, manh áo, hay viết thư gửi cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Nam Bộ. Những điều tưởng như nhỏ bé lại tạo nên sức lan tỏa lớn lao, làm nên một phong cách Hồ Chí Minh vừa sâu sắc, vừa gần gũi và truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ.

Trong đời sống hiện đại, sức sống của di sản Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục thấm sâu vào văn hóa ứng xử và đạo đức xã hội. Không ít bạn trẻ đã tìm thấy trong các câu chuyện về Người nguồn cảm hứng để sống tử tế, cống hiến và hướng đến cộng đồng. Di sản của Bác vì thế được tiếp nối và làm mới mỗi ngày. Việc trao tặng hiện vật không đơn thuần là gìn giữ lịch sử, mà để quá khứ trở thành nguồn sinh khí cho hiện tại và tương lai.

THU HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.