QĐND – Ngày 7-12, tại thủ đô Hà Nội, chúng ta long trọng khai mạc Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX.

Hôm nay, 2.000 đại biểu ưu tú nhất của Phong trào Thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đại diện cho hàng chục triệu cá nhân và tập thể trên khắp mọi miền Tổ quốc bước vào đại hội chính thức với niềm tin tưởng, tự hào và khí thế thi đua yêu nước dâng đầy lồng ngực.

Hôm nay là một mốc son đáng nhớ của Phong trào Thi đua yêu nước được Đảng và Bác Hồ phát động, nuôi dưỡng từ hơn 60 năm trước và ngày càng khẳng định sức sống mãnh liệt của phong trào trong thực tiễn.

Hà Nội hôm nay. Ảnh: QĐND.

Sở dĩ Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IX này là một mốc son bởi đây là sự tiếp nối lịch sử vẻ vang của phong trào thi đua mấy thập kỷ qua, đến nay đất nước ta đã ở thế và lực mới; phong trào thi đua sâu rộng và mang lại thành tựu đáng tự hào. Đại hội này không chỉ là dấu mốc về thời gian mà có ý nghĩa là dấu mốc về sự phát triển toàn diện của cách mạng Việt Nam. Đại hội sẽ tổng kết Phong trào thi đua yêu nước, khen thưởng các cá nhân, tập thể điển hình trong 5 năm 2011-2015, rút ra những bài học kinh nghiệm về nội dung, hình thức, phương thức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước; về kinh nghiệm xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến. Đặc biệt, đại hội lần này là dịp khẳng định những thành tựu to lớn của 30 năm Đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, xác định quyết tâm mới, khí thế mới, vượt khó và sáng tạo, đoàn kết một lòng đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức.

Quần chúng nhân dân lao động là người làm nên lịch sử. Đó là một chân lý. Chúng ta có Đảng tiên phong, dày dạn kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng cả thời chiến và thời bình, định ra đường lối đúng đưa đất nước đi lên. Toàn dân tộc Việt Nam chung một khát vọng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vậy thì, phương châm “người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua” để ai ai cũng “làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều” như căn dặn của Bác Hồ hãy trở thành tình cảm, thành lẽ sống của tất cả mọi người dân Việt Nam để dân tộc ta sớm thực hiện được khát vọng lớn lao và chính đáng của mình.

Quá trình thi đua cũng là quá trình vươn lên đạt thành tựu mới và khắc phục những điểm yếu, những trở lực trong phong trào thi đua. Chỉ có đoàn kết một lòng mới tạo nên sức mạnh tập thể và tất cả chúng ta mới tự tin trên một con tàu lớn. Chỉ có kiên trì vượt khó mới có thể thu hoạch những mùa vàng. Chỉ có sáng tạo và luôn luôn sáng tạo mới tạo bước chuyển biến mang tính cách mạng giúp chúng ta đi tắt đón đầu trên mọi lĩnh vực, nhất là khoa học công nghệ, để chúng ta đi lên nhanh và bền vững.

Trong mỗi con người đều chất chứa những quyết tâm, dự định, mục tiêu thi đua, đôi khi là thi đua với ngay chính bản thân mình, chiến thắng chính bản thân mình. Như những mạch ngầm li ti từ muôn phương tạo thành suối, thành sông, rồi đổ về biển lớn, nếu không có những cá nhân, những bàn tay khối óc đôi khi còn âm thầm lặng lẽ thì không thể có những dòng chảy lớn của thành tựu thi đua. Tạo điều kiện cho mọi công dân bung nở hết khả năng tiềm tàng hướng vào phong trào thi đua yêu nước là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, của chính quyền các cấp, đặc biệt là khát vọng và phương pháp của những người đứng đầu.

Khen thưởng luôn gắn chặt với thi đua. Nếu khen thưởng đúng người đúng việc, kịp thời và hiệu quả thì phong trào có thêm động lực và đi đúng hướng; nếu khen thưởng sai người sai việc thì phản tác dụng. Nếu “ai cũng được khen” thì đó là “hòa cả làng”, triệt tiêu động lực phấn đấu; nếu quá khắt khe, yêu cầu cao không trên cơ sở thực tế, không biết động viên khích lệ, nhen lên những đốm lửa nhỏ thì nản lòng, giảm bầu nhiệt huyết trong quần chúng. Khen thưởng, vì thế cần được tổ chức khoa học và chặt chẽ để thúc đẩy thi đua phát triển đúng hướng.

“Nền tảng của thi đua là công việc hằng ngày”. Từ các nhà khoa học đến người nông dân, chị công nhân, anh chiến sĩ... đều có thể tự tin làm tốt công việc hằng ngày của mình, như thế cũng là thiết thực thi đua góp công, góp sức cho cuộc đời, cho đất nước.

XUÂN BẰNG