Các phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân. Cử tri có thể theo dõi đại biểu do mình bầu ra đã phản ánh với Quốc hội tâm tư, nguyện vọng của mình hay chưa? Thông qua ý kiến phát biểu, cử tri có thể “chấm điểm” các ĐBQH và một số thành viên Chính phủ. Điều mà đông đảo cử tri mong muốn nhất là tại diễn đàn của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất này, các đại biểu hãy cùng nhau hiến kế phát triển bền vững đất nước.  

Thủ đô Hà Nội đang trên đà phát triển. Ảnh: anninhthudo.vn

Báo cáo của Chính phủ do Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày tại Quốc hội vào sáng 20-5 khẳng định, mặc dù còn những hạn chế, nhưng nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và nhân dân cả nước, tình hình KT-XH nước ta những tháng đầu năm 2019 tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; thu NSNN tăng khá; các ngành, lĩnh vực chủ yếu tiếp tục phát triển ổn định. Đời sống nhân dân được cải thiện. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, cộng đồng DN, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thế nhưng, theo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tuy các bộ, ngành có nhiều nỗ lực rà soát, loại bỏ thủ tục, điều kiện kinh doanh bất hợp lý, cải cách môi trường kinh doanh nhưng còn chậm, chưa thực chất. Việc gia nhập thị trường của DN còn nhiều khó khăn; thủ tục hành chính về đất đai, thuế, quản lý thị trường, giao thông vận tải… còn phiền hà. Hoạt động thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục còn hạn chế, đặc biệt là công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình…  

Cử tri kỳ vọng, tại các phiên thảo luận về tình hình KT-XH, những băn khoăn, bức xúc của cử tri sẽ được các ĐBQH bày tỏ. Năm 2019 có ý nghĩa quan trọng trong việc “bứt phá” để hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020, do đó, cử tri rất đồng tình với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Chính phủ. Tuy nhiên, làm thế nào để các giải pháp đó đến được và tạo chuyển biến thực sự ở các cấp, các ngành, các địa phương bởi lẽ tình trạng “trên nóng dưới lạnh” vẫn còn?  

Cử tri mong muốn các ĐBQH và các thành viên Chính phủ tại các phiên họp này hãy hiến kế để giảm bớt thủ tục hành chính một cách thực chất, mạnh mẽ hơn; xử lý nghiêm các sai phạm trong tất cả lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đầu tư, xây dựng và giao thông; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia; quản lý thuế thực sự hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh qua mạng; triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; kiểm soát, phòng ngừa các hoạt động thanh toán có dấu hiệu đánh bạc, rửa tiền, trốn thuế; kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm; tổ chức tốt Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học năm 2019...

Để có thể cung cấp, chia sẻ thông tin với các ĐBQH, cử tri mong muốn các cơ quan của Quốc hội có thể thiết lập các “đường dây nóng”, “địa chỉ thư điện tử nóng” tại những phiên họp quan trọng này.

ĐỖ PHÚ THỌ