Trong những ngày qua, dư luận chưa hết bất bình trước vụ một cán bộ Sở Giao thông, Vận tải Hà Nội cùng bạn có cách hành xử côn đồ với phụ nữ tại sân bay Nội Bài thì lại liên tiếp xảy ra những sự việc nhức nhối, như một cán bộ của Chi cục Kiểm lâm huyện Lương Sơn (Hòa Bình) không những không chịu mua vé đường bộ mà còn hung hãn tấn công nhân viên Trạm thu phí BOT Quốc lộ 6; gần đây nhất, sáng 5-11, một cán bộ thuộc Sở Ngoại vụ TP Hà Nội đã tấn công theo cách rất côn đồ một thầy giáo già đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, khiến ông phải nhập viện cấp cứu.

Những sự việc trên đang tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động đầy khẩn thiết về sự cần thiết phải quan tâm, chú trọng làm tốt hơn nữa công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đội ngũ cán bộ trong giai đoạn hiện nay.

leftcenterrightdel

Cán bộ Chi cục Kiểm lâm huyện Lương Sơn (Hòa Bình) tấn công nhân viên Trạm thu phí BOT Quốc lộ 6.

Không chỉ ngày xưa mà cả ngày nay, niềm tự hào luôn là cảm xúc thường trực của mỗi ông già bà cả và mỗi bậc phụ huynh khi con cháu mình được “làm cán bộ”. Tự hào bởi về mặt lý thuyết thì đó là những người được học hành “đến nơi đến chốn”, được “dạy chữ, dạy người, dạy nghề”. Và vì thế, trong một xã hội văn minh, chuyện những “thường dân” đánh lộn vốn đã bị coi là bạo lực, khó chấp nhận, thì chuyện người thượng cẳng chân hạ cẳng tay giữa nơi công cộng là cán bộ nhà nước lại càng không thể chấp nhận. Bởi lâu nay, mọi người đều “mặc định”, cán bộ là người “có học”, vì thế cán bộ phải “làm gương” cho nhân dân từ lời nói đến việc làm, cán bộ phải khắc ghi và thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Muốn giáo dục nhân dân, làm cho mọi người đều tốt cả thì cán bộ, đảng viên phải tự giáo dục và rèn luyện hằng ngày...

Trở lại sự việc vị cán bộ của Sở Ngoại vụ TP Hà Nội đánh dã man, khiến thầy giáo già bị chấn thương nặng, có thể thấy rằng, người đang “đeo mác” cán bộ này không chỉ có hành vi hành hung người khác mà còn vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội, đi ngược lại thuần phong mỹ tục “kính già, yêu trẻ” của dân tộc ta. Trước sự việc trên, Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Công an Hà Nội điều tra làm rõ vụ việc, đồng thời khẳng định đã là công chức mà có hành vi vi phạm thì càng phải xử lý nghiêm hơn.

Quan điểm và sự chỉ đạo của lãnh đạo TP Hà Nội đã rất rõ ràng, và đó là việc làm kịp thời, cần thiết, nhằm xử lý thích đáng người làm hoen ố hình ảnh cán bộ nhà nước.

Tuy nhiên, việc xử lý cán bộ vi phạm vẫn chỉ là giải pháp phần ngọn, mà xã hội cần hơn những biện pháp giải quyết từ gốc, để cán bộ thực sự chuẩn mực trong đạo đức, lối sống và văn minh trong cách hành xử. Muốn vậy, mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị cần phải đề cao, coi trọng và thực hiện nghiêm túc các quy định, nguyên tắc trong tuyển chọn, rèn luyện, quản lý, đánh giá, sử dụng cán bộ. Trong đó, việc tuyển chọn cán bộ phải thực hiện theo nguyên tắc dân chủ, công khai, bảo đảm tuyển chọn đúng những người có đủ tiêu chuẩn theo từng chức danh; việc đánh giá cán bộ ngoài căn cứ vào tiêu chuẩn cán bộ, hiệu quả công việc thực tế còn phải coi trọng sự tín nhiệm của nhân dân… Khi cán bộ vi phạm phải xử lý kiên quyết, không bao che, cả nể, nương nhẹ, xử lý theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”…

Trước thực tế hiện tượng cán bộ nhà nước vi phạm các chuẩn mực đạo đức đang trở thành vấn đề gây bức xúc dư luận như hiện nay thì việc quán triệt nghiêm túc, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ là việc làm hết sức quan trọng và cấp thiết. Thực hiện nghiêm Nghị quyết nói trên sẽ giúp chúng ta nhận diện đúng, đấu tranh có hiệu quả với những biểu hiện suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, mà một trong những biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống ở cán bộ, đảng viên được xác định là “… vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội”.

SÔNG CẦU