Ảnh minh họa. Nguồn: healthplus.vn
Hôm đó, trong bữa cơm thân mật, ông nội của anh (nguyên là chiến sĩ Điện Biên) chia sẻ rất nhiều câu chuyện thú vị. Thế nhưng, khi ông bắt đầu kể chuyện chiến tranh, thì bạn tôi phản ứng: "Có mấy chuyện xưa như quả đất, mà ông kể đi kể lại làm gì". Nghe cháu nói thế, ông lẳng lặng đứng lên, đi vào phòng riêng. Thấy vậy, tôi cố tình theo sau, chủ ý bắt chuyện với ông. Như được dịp trải lòng, cứ thế những ký ức về một thời chiến đấu gian khổ, ác liệt trong ông tuôn chảy. Sau hàng giờ đồng hồ kể về cái thời "hoa lửa", ông chợt trầm ngâm. Ông chia sẻ, các con cháu chăm lo cho tôi khá đầy đủ về vật chất, nhưng lại ít lắng nghe, trò chuyện về đời tư. Ông cho rằng, cháu ông và không ít người đang đi làm việc tri ân "nửa vời". Bởi theo ông, muốn "đền ơn, đáp nghĩa" trọn nghĩa, vẹn tình thì người sau phải biết thế hệ đi trước cần tri ân những gì, tri ân bằng cách nào? Không chỉ mang quà đến biếu tặng, mà phải thực lòng biết trân quý những cống hiến, hy sinh của cha anh. Đó mới là sự tri ân đầy đủ và đúng cách. Muốn làm được điều đó, trước hết, thế hệ hôm nay phải biết lắng nghe!
Câu chuyện ấy được tôi chia sẻ lại với bạn trên suốt chặng đường trở về Hà Nội. Mặc dù lúc đầu cố tỏ vẻ không muốn nghe, nhưng cuối cùng bạn cũng phải thừa nhận. Thật ra, tâm lý phổ biến của giới trẻ hiện nay là không thích nghe thế hệ cha anh kể chuyện về thời quá khứ. Nếu không biết lắng nghe, thì người trẻ sẽ không bao giờ biết được rằng, thế hệ cha anh đã trải qua những năm tháng chiến đấu chống giặc ngoại xâm gian khổ, khốc liệt, chịu biết bao hy sinh, mất mát tới mức nào. Rồi nhiều ông bà, cha mẹ muốn thế hệ trẻ hiểu được rằng, chính việc trò chuyện với con cháu là một cách gắn kết yêu thương gia đình. Đó là sự trải lòng, đồng thời cũng là cách "truyền lửa" giúp con cháu hiểu thêm lịch sử dân tộc mình, tự hào về gia đình. Xét theo nghĩa đó, khi thế hệ trẻ biết lắng nghe, trân trọng lịch sử, thì đó mới là sự tri ân đầy ý nghĩa mà thế hệ đi trước mong mỏi, chờ đợi.
Ở nơi tôi công tác, thi thoảng có một vài lão thành cách mạng trở về thăm cơ quan. Và những dịp như thế, vây quanh cán bộ lão thành là những gương mặt trẻ trung, sôi động. Và nếu thật sự chú tâm, thì bất kể ai cũng sẽ đón nhận nhiều bài học quý về cách làm nghề, làm người, làm cán bộ qua những câu chuyện đó. Dẫu biết xã hội luôn vận động mau lẹ, tuổi trẻ cần thời gian để chiếm lĩnh tri thức, cần sự "phá cách" để đổi mới, làm mới chính mình; thế nhưng chúng ta sẽ vận động đi đâu, bước tiếp trên nền tảng nào? Đó là câu hỏi lớn mà mỗi công dân trẻ tuổi hôm nay phải nghĩ suy cặn kẽ, thấu đáo.
Càng nghĩ, tôi lại càng thấy buồn cho anh bạn, bởi nét mặt thất vọng của ông nội trước những câu nói dường như vô tình nhưng đã "chạm" vào tâm trí của một thế hệ sẵn sàng hiến dâng mạng sống của mình cho Tổ quốc, cho dân tộc. Những ký ức chất đầy tư liệu lịch sử đang bị chôn chặt trong sâu thẳm tâm can của những người từng bước qua chiến trận. Họ xứng đáng được nói về mình, được nói về quá khứ, ngợi ca về một thời-một thế hệ đáng kính của dân tộc, được nhận sự trân quý của những thế hệ sau.
Nói như vậy, không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn mọi nỗ lực, tâm huyết, tình cảm của thế hệ hôm nay dành cho những người đi trước. Thời gian qua, trên khắp mọi miền Tổ quốc, nhiều hoạt động truyền lửa được tổ chức với hình thức, phương pháp phong phú, sáng tạo. Thế nhưng "lịch sử chỉ trao tay giữa các thế hệ"-đúng như một triết gia đã khẳng định chân lý ngàn đời không thể đổi khác ấy. Bởi thế, cần lắm và cần nhiều hơn nữa các hoạt động kết nối giữa các thế hệ. Thời gian không bao giờ chảy ngược, cũng không thể chậm lại, ngay từ lúc này, hãy học cách lắng nghe và trân quý ký ức của thế hệ đi trước. Đó là cách tuổi trẻ tri ân thế hệ cha anh và viết tiếp lịch sử hào hùng!
NGUYỄN TẤN TUÂN