Có trường hợp người cha, người mẹ chở con nhỏ khi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông, bị lực lượng cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe, xử phạt thì lại cố biện minh, xin xỏ, thậm chí ăn vạ, vin vào cớ có con nhỏ hòng lấp liếm lỗi sai.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa: Internet

Đây là một thực tế đáng báo động. Trước hết, việc làm của những bậc làm cha mẹ như nêu trên rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật, coi thường sự an toàn của bản thân và của chính con cái họ, cũng như gây rắc rối cho những người thi hành công vụ. Nhưng xét về khía cạnh rộng hơn, kể cả có bị xử phạt hay không thì những người cha, người mẹ ấy đang trực tiếp dạy con mình vi phạm pháp luật và cách để trốn tội mà có thể chính họ cũng chưa kịp nhận ra. Hoặc có người cũng nhận ra, sau đó tặc lưỡi “Ôi chao. Đấy chỉ là việc nhỏ. Trẻ con thì biết gì đâu!”. Nhưng họ lại quên đi rằng trẻ nhỏ thì “dễ dạy”. Tức là, khi thấy người lớn dạy bảo hoặc đang thực hiện một điều gì đó, đứa trẻ có thể nhanh chóng ghi nhớ, bắt chước và học theo.

Những hành vi của cha mẹ có vai trò rất quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi đứa trẻ. Trên thực tế, nhiều cha mẹ thường xuyên có thái độ cục cằn, cư xử thô lỗ thì con cái không ngoan ngoãn, lễ phép; nhiều cha mẹ không giữ lời hứa dẫn đến con thường hay nói dối; một số cha mẹ lúc nào cũng "dán mặt" vào màn hình điện thoại thì con “nghiện” công nghệ, lười vận động...

Trường hợp vi phạm luật giao thông ở trên là một trong những ví dụ về hành vi lệch chuẩn của cha mẹ trước mặt con cái. Các cơ quan chức năng cần nghiêm túc, kiên quyết xử lý những trường hợp tương tự để lấy đó làm bài học cho chính đứa trẻ. Không được nể nang, du di bỏ qua, tạo nên lối suy nghĩ của trẻ nhỏ là nếu bản thân phạm sai lầm sẽ luôn được tha thứ vì còn ít tuổi. Đừng tạo tính xấu cho con trẻ.

TRẦN ANH MINH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.