Quả thật, đi hát karaoke vui đấy, nhưng thể hiện niềm vui này cũng cần đúng lúc, đúng chỗ, đúng giới hạn đạo đức văn hóa cho phép; chứ đừng vui quá, vui đến mức ngả ngớn, gào thét, "khua chân múa tay" quá đà, quá chớn; vui đến mức không làm chủ được bản thân rồi tự chuốc tai ương vào thân!
Liên tiếp những ngày gần đây, các quán karaoke trở thành tâm điểm của dư luận xã hội. Vụ việc quán karaoke bị cháy ở Bình Dương làm hơn 30 người thiệt mạng, hay mới đây một quán karaoke ở TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) bị phanh phui là tụ điểm ma túy, đã phần nào cho thấy quán karaoke giờ đây không hẳn lúc nào cũng mang đến niềm vui đích thực cho mỗi người, mỗi gia đình.
 |
Hát karaoke. Ảnh minh họa.
|
Bạn bè tôi thỉnh thoảng cũng vẫn gọi nhau đi hát karaoke. Với chúng tôi, karaoke là phương tiện giao lưu, kết nối, tăng cường các mối quan hệ xã hội. Có những người nhờ karaoke còn thuộc thêm nhiều bài hát cách mạng, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước. Nhiều quán karaoke hoạt động chuẩn mực đã thực sự đem lại những giờ nghỉ ngơi vui vẻ, sảng khoái, giúp giải tỏa áp lực căng thẳng trong cuộc sống, công việc cho người tham gia.
Thực ra bản thân karaoke không xấu, chỉ là chúng ta quản lý rủi ro thế nào. Thực tế ở đất nước Nhật Bản, quê hương của karaoke, đây là sản phẩm giải trí lành mạnh, an toàn và cũng là loại hình kinh doanh rất phát triển. Nói điều này để thấy rằng, việc quản lý các quán karaoke đi theo đúng quỹ đạo tích cực là điều hoàn toàn khả thi. Điều quan trọng là sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, bảo đảm phòng cháy chữa cháy và thuần phong mỹ tục tại cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke.
Hơn nữa, không thể không nhắc tới vai trò của những người tham gia vào hoạt động giải trí này. Giữ gìn môi trường quán karaoke lành mạnh không chỉ là trách nhiệm của chủ quán hay cơ quan quản lý mà còn là của khách hàng. Những người tìm đến karaoke như một phương tiện giải trí lành mạnh có lẽ chỉ mong muốn tìm đến nơi để cất cao lời ca, tiếng hát, để cuộc sống trở nên tươi đẹp, phong phú, để có năng lượng tích cực hơn cho những ngày làm việc, học tập và cống hiến. Không ai muốn bị mang tiếng là đi vào những tụ điểm ăn chơi đồi trụy hay gắn với các hành vi phản cảm. Càng không ai muốn sau tiếng hát là những nỗi buồn đau mất mát vì những vi phạm do chính mình hoặc người khác gây ra.
Tuy nhiên, do suy nghĩ đơn giản, do thiếu ý thức mà nhiều khách vào quán karaoke quên mất rằng hút thuốc cũng gây nguy cơ cháy nổ rất cao. Việc lựa chọn địa điểm, bài hát... có đúng thuần phong mỹ tục hay không cũng phụ thuộc nhiều vào ý thức chủ quan của khách. Hơn nữa, quán karaoke thường được trang bị hệ thống âm thanh có công suất lớn, ánh sáng hiện đại, có tác động kích thích những ham muốn của con người, thậm chí có thể kích thích bạo lực, gây ham muốn tình dục... Điều này dễ bị kẻ xấu lợi dụng để thực hiện và lôi kéo những người hát khác, đặc biệt là người trẻ, cùng tham gia vào những hoạt động phạm pháp, "phiêu, bay, lắc" với ma túy, mại dâm. Trên thực tế, thời gian qua các lực lượng chức năng đã từng bắt quả tang, xử lý nhiều chủ quán và nhiều khách hàng vì đã biến quán karaoke thành tụ điểm sử dụng ma túy tập thể, thậm chí có cả hành vi đồi trụy tập thể rất vô văn hóa.
Vì thế, bên cạnh việc nâng cao trách nhiệm của những người kinh doanh karaoke, bản thân khách đến hát karaoke cũng cần trang bị cho mình ý thức thượng tôn pháp luật, tôn trọng thuần phong mỹ tục của dân tộc, đề cao ý thức giữ gìn lối sống lành mạnh để tự phòng tránh những bất trắc, rủi ro cho chính mình và xã hội.
HIỀN VINH