Nhưng vào những ngày đông này, nếu người Hà Nội nói riêng, người Việt nói chung vào tham quan triển lãm “Sống mãi với Thủ đô” diễn ra tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, sẽ có những phút giây lắng lòng, xúc động trước những hình ảnh, hiện vật gắn liền với thời điểm những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến cách đây 70 năm, đang được trưng bày tại đây.

Với truyền thống lịch sử nghìn năm văn hiến, người Hà Nội nức tiếng là hào hoa, thanh lịch, nhưng khi đến với triển lãm “Sống mãi với Thủ đô”, nhìn hình ảnh người chiến sĩ Vệ quốc quân ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch, hay hình ảnh đội quyết tử của Trung đoàn Thủ Đô với lời thề “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, chúng ta thêm một lần hiểu hơn một Hà Nội vô cùng gan dạ, bất khuất, kiên cường. 70 năm về trước, trên mỗi con đường, góc phố, nhà cổ, cửa hiệu, hầu như nơi đâu cũng có những chiến lũy, công sự và mỗi người dân Hà Nội đều sẵn sàng ở tư thế người chiến sĩ cảm tử quân, quyết tâm đứng lên chiến đấu sống mái với quân thù để bảo vệ Thủ đô thân yêu. Nhìn những hình ảnh, hiện vật tái hiện nhiều trận đánh quyết tử diễn ra tại Bưu điện Hà Nội, nhà Xô-va (phố Hàng Tre), trường Ke (phố Chợ Gạo), nhà Đề-lê-vô (số 9 phố Cát Linh), trường Trưng Vương, Bắc Bộ phủ, chợ Đồng Xuân…, chúng ta càng thêm trân trọng sự hy sinh vô bờ bến của các thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa/ baohaiquan.vn 

Sau khi trở lại những ngày tháng hào hùng của quân-dân ta thông qua triển lãm “Sống mãi với Thủ đô”, quay về thực tại, chúng ta chưa hết băn khoăn vì những dấu tích về một thời Hà Nội quật cường trong 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô không còn nhiều trên các phố phường. Trên địa bàn Hà Nội hiện nay, chỉ còn một số địa danh lưu lại những ký ức lịch sử hào hùng đó như: Di tích Pháo đài Láng, Pháo đài Xuân Tảo, tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh ở vườn hoa Vạn Xuân, tượng đài Cảm tử quân ở đền Bà Kiệu, tượng đài Hà Nội-mùa đông 1946 tại chợ Đồng Xuân… cùng một số biển bảng ghi lại chiến công của quân-dân ta ở một vài công sở, cửa hiệu, góc phố. Những năm qua, Hà Nội đã có nhiều cố gắng trong việc khoanh vùng, cắm mốc, lập vành đai, tường rào bảo vệ các di tích lịch sử liên quan đến 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thủ đô. Tuy nhiên, phần vì thời gian đã lùi xa 70 năm, phần vì tốc độ đô thị hóa quá nhanh, mà mỗi tấc đất ở các địa điểm di tích đều là “tấc vàng” nên các di tích này luôn đứng trước nguy cơ bị xâm hại bởi sự thờ ơ, vô trách nhiệm của một bộ phận người dân. Trong khi đó, tư duy quan niệm quản lý, bảo vệ di tích là việc riêng của ngành văn hóa, của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở cũng là một tác nhân khiến cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích cách mạng kháng chiến có lúc chưa được quan tâm thường xuyên, thỏa đáng.

Các nhà sử học từng đúc kết, lịch sử là những cái đã qua, nhưng không có lịch sử thì không có hiện tại và tương lai. Việc trân quý những giá trị lịch sử cao đẹp thực chất cũng là một cách ứng xử nhân văn với hiện tại và góp phần thúc đẩy tương lai phát triển lành mạnh, bền vững. Do vậy, phải tìm mọi cách, làm mọi việc có thể để giữ được những dấu tích oanh liệt gắn liền với sự kiện lịch sử những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến diễn ra ở Thủ đô. Đây không chỉ là một cử chỉ ân nghĩa đối với thế hệ cha anh mà còn góp phần giữ gìn, trao truyền những ký ức hào hùng của dân tộc cho muôn đời sau.

THIỆN VĂN