Đáp ứng nhu cầu đó là làn sóng các địa phương nơi có danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử-văn hóa, cùng các doanh nghiệp nhanh nhạy đầu tư khai phá, mở mang những công trình, cơ sở dịch vụ. Đáng tiếc là nhiều dự án, công trình, cơ sở dịch vụ đã được triển khai theo cách tự phát, bất chấp việc vi phạm luật pháp, xâm hại môi trường, cảnh quan và chính các di sản.
Chỉ vài tháng gần đây, hàng loạt các vụ việc như: Xây nhà nghỉ trên dãy đèo Mã Pí Lèng, phá rừng xây công trình du lịch tâm lịch trong khu vực Lũng Cú, dựng thang máy ở Đồng Văn... tất cả đều ở vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang. Ở đèo Đại Ninh (Bình Thuận) là trạm dừng chân, ở Thanh Chương (Nghệ An) là chùa mới trên đất đền đã có… Trước đó, trên nhiều vùng danh thắng và khu vực di tích của đất nước là những công trình khách sạn, nhà hàng, nhà ở, biệt phủ, là những khu du lịch, khu nhà cao tầng xây chắn dọc những bãi biển, bờ sông, chiếm dụng đất rừng và núi đồi… Đã có nhiều khuyến cáo, cảnh báo, đã có nhiều quyết định xử phạt, buộc di dời, phá dỡ song xu hướng xâm phạm di tích, cảnh quan vẫn tiếp diễn, thậm chí còn tràn lan, nặng nề hơn. Đằng sau đó là gì? Đương nhiên là sự bất tuân luật pháp, là nhận thức, tầm nhìn hạn hẹp, là cung cách làm ăn theo lối chụp giật liều lĩnh của những doanh nghiệp, nhà đầu tư, người kinh doanh. Nhưng trên hết vẫn là sự tắc trách hoặc thỏa hiệp, thậm chí là sự đồng lõa của các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý, trong đó có sự đùn đẩy, không đưa ra các giải pháp triệt để của các ngành liên quan.
 |
Ảnh minh họa: TTXVN |
Trước tình trạng xâm hại di tích, cảnh quan trên các vùng núi mà báo chí đã nêu gần đây, ngày 14-11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản gửi các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, về việc xử lý các thông tin báo chí đã nêu; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ liên quan nghiên cứu xử lý.
Nguyên nhân xảy ra những vụ việc vi phạm trên các vùng di sản miền núi rồi sẽ được làm rõ, song việc chủ động ngăn chặn những vụ việc tương tự trên nhiều vùng di sản và các di tích lịch sử-văn hóa đã và luôn là thách thức đối với mọi cấp chính quyền, nhân dân các địa phương. Thực tế không ít vi phạm đã diễn ra nhiều năm nhưng chưa được xử lý triệt để cho thấy có những khoảng trống, những kẽ hở pháp lý, nhất là thiếu những quy định cụ thể, chi tiết, chặt chẽ khiến các cơ quan có trách nhiệm lúng túng, trông chờ. Và thực tế rõ ràng là thiếu sự phát hiện, kiên quyết xử lý của các cơ quan có trách nhiệm sở tại. Chính sự im lặng, làm ngơ đã làm cho “cái sảy nảy cái ung” để những vi phạm cứ tồn tại dây dưa. Cuộc sống càng đi lên, các thế hệ người Việt Nam hôm nay càng biết thêm, hiểu thêm những vẻ đẹp phong phú, đa dạng của non sông gấm vóc, của những di sản văn hóa mà tổ tiên gây dựng nên.
Ngày Di sản Việt Nam hôm nay nhắc nhớ trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn vẻ đẹp muôn đời của chúng ta trước ông cha và trước các thế hệ tương lai. Với nguồn lực ngày mỗi thêm dồi dào, chúng ta đã và đang tôn tạo, bồi đắp để không gian di sản sống động cùng vẻ đẹp tươi mới đàng hoàng trên mỗi miền quê đất nước.
NGUYỄN ANH