Tôi hỏi thì cháu cho biết: “Cô giáo con nói cả nước đang quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lũ. Cô giáo con cũng ủng hộ. Con muốn gửi tới các bạn vở và tiền tiết kiệm để các bạn sớm được quay lại trường...”. Lời nói giản dị, ngây thơ của cháu khiến tôi chợt nghĩ, chính từ những việc làm thiện nguyện cụ thể như thế này, đồng bào đang bị thiệt hại nặng nề bởi thiên tai chắc chắn sẽ được chia sẻ, động viên, bớt khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Đặc biệt, cũng từ đó, mầm thiện, tình yêu thương con người đã bắt đầu được gieo trên những “trang giấy trắng” tâm hồn trẻ thơ.
 |
Học sinh Lâm Đồng quyên góp, ủng hộ đồng bào miền Trung. Ảnh: baolamdong.vn |
Có một thực tế là bên cạnh phần nhiều bạn trẻ sống có lý tưởng, hoài bão, nhân văn, nhân ái, thì hiện nay cũng còn một bộ phận sống ích kỷ, chỉ nghĩ cho bản thân, vô cảm, thờ ơ với cuộc sống, với những hoàn cảnh đáng thương xung quanh mình. Điển hình của thực trạng này là đã có không ít trường hợp học sinh bị “đánh hội đồng” bởi chính bạn cùng trường, cùng lớp chỉ vì những xích mích nhỏ nhặt. Chứng kiến sự việc, nhiều em không những không thương xót, can ngăn mà còn quay clip tung lên mạng xã hội, khiến nạn nhân thêm một lần nữa bị tổn thương, đồng thời ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục... Đương nhiên, trong những trường hợp như thế, các em thật đáng trách. Nhưng “nhân chi sơ/ tính bản thiện”, bình tĩnh để xem xét đến cùng sự việc thì mới thấy, thực ra các em cũng là nạn nhân, bởi nếu được quan tâm, giáo dục chu đáo, được “gieo mầm” thiện từ thuở nhỏ thì có lẽ sự vô cảm sẽ không hiện hữu trong các em và những sự việc đáng tiếc sẽ không xảy ra.
Một trong những mục tiêu quan trọng của giáo dục là nhằm phát triển con người Việt Nam có đạo đức, ý thức công dân, có lòng yêu nước, sống nhân hậu, biết đồng cảm, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn... Để thực hiện mục tiêu này thì học trong sách vở, học từ bài giảng của thầy cô là rất quan trọng, nhưng không thể thiếu những bài học từ thực tế-như trường hợp ủng hộ đồng bào miền Trung của em học sinh nói trên. Khi các em được tham gia hoạt động ngoại khóa, thiện nguyện, tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, được hướng dẫn để ủng hộ, giúp đỡ các bạn học sinh khuyết tật, các bạn học sinh nghèo vượt khó... sẽ là những bài học thực tiễn sinh động, tác động trực tiếp vào tâm lý, tình cảm, góp phần quan trọng giúp các em biết trân trọng cuộc sống, biết đồng cảm, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, dần hình thành tính thiện trong con người.
Điều tiên quyết để có thể gieo mầm yêu thương cho con trẻ là sự gương mẫu, chuẩn mực, quan tâm, dạy dỗ của các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và cả xã hội. Cha mẹ, thầy cô phải là những tấm gương về đạo đức, giàu tình yêu thương, nhân ái... Khi đó, những lời nói, hành động đầy tình yêu thương diễn ra hằng ngày của cha mẹ, thầy cô sẽ dần “thấm” vào các con, tác động lớn đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội phù hợp, giúp học sinh có cơ hội trải nghiệm, tiếp thu các bài học bổ ích, sinh động từ thực tế cuộc sống.
Nếu mỗi chúng ta tích cực gieo mầm yêu thương vào con trẻ thì chắc chắn mầm non sẽ phát triển, “đơm hoa kết trái” thành cả xã hội yêu thương!
PHƯƠNG HIỀN