Bài học thành công trong xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng ngay từ những ngày đầu là nêu cao bản chất dân chủ, sức mạnh của nhà nước bắt nguồn từ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Với bản chất cách mạng và tính nhân dân, dân chủ sâu sắc, Nhà nước Việt Nam do Hồ Chí Minh đứng đầu đã phát huy sức mạnh tổng hợp, kiên quyết kháng chiến chống xâm lược, trấn áp phản cách mạng, tăng cường xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân và chăm lo đời sống của nhân dân. Thành công nổi bật là vừa tăng cường thực lực vừa thực hiện sách lược khôn khéo "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" nhằm bảo vệ thành quả cách mạng mà trước hết là giữ vững chính quyền nhân dân.

 Ảnh minh họa: TTXVN.

Cần nhấn mạnh rằng, Cách mạng Tháng Tám kiến tạo một Nhà nước không những khác về bản chất mà cả về chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu phấn đấu so với nhà nước trước đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong thư gửi ủy ban nhân dân các cấp ngày 17-10-1945: "Chúng ta phải hiểu rằng các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật.

Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm.

 Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh"(1).

Không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ thì không có ai dẫn đường. "Vậy nên Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành một khối". Chính quyền cách mạng cùng toàn dân ra sức phấn đấu vì ĐỘC LẬP-TỰ DO-HẠNH PHÚC của Tổ quốc và đồng bào. Độc lập, tự do, hạnh phúc là sự thống nhất bền vững giữa quyền dân tộc và quyền con người với một tư duy mới bảo đảm củng cố sức mạnh của Nhà nước kiểu mới.

Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rõ Nhà nước chỉ thật sự vững mạnh và có khả năng tự bảo vệ khi trong bộ máy gồm những cán bộ thật sự phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân với tất cả năng lực và tinh thần trách nhiệm. Kiên quyết loại trừ những căn bệnh như: Trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo hay lúc nào cũng vác mặt "quan cách mạng". Trong bầu cử Quốc hội ngày 6-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu"(2).

Sức mạnh của Nhà nước còn ở tính kỷ luật, ở kỷ cương phép nước. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương phải tổ chức Tổng tuyển cử càng sớm càng tốt  để bầu ra Quốc hội, lập Chính phủ chính thức, soạn thảo Hiến pháp. Điều đó có ý nghĩa rất quan trọng khẳng định sức mạnh thực tế, cơ sở pháp lý của Nhà nước trong hoạt động đối nội và đối ngoại nhằm tăng cường thế và lực của Nhà nước và đặt nền móng xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

Nhà nước cách mạng Việt Nam đã tỏ rõ sức mạnh vượt qua tình thế hiểm nghèo "ngàn cân treo sợi tóc" những năm 1945-1946, tổ chức thắng lợi các cuộc kháng chiến oanh liệt chống thực dân, đế quốc suốt 30 năm (1945-1975) và đang tổ chức thành công sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Từ bài học của Cách mạng Tháng Tám và các thời kỳ cách mạng trước đây, Đảng đặc biệt chú trọng xây dựng và tăng cường sức mạnh, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong công cuộc đổi mới với nội dung cơ bản là xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân, vì dân. Đại hội XII của Đảng (1-2016) nêu rõ phương hướng, nhiệm vụ: "Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị"(3).

Xây dựng Nhà nước pháp quyền với 6 đặc trưng cơ bản, tiến hành đồng bộ cả lập pháp, hành pháp, tư pháp, đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội. Hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, phương thức và cơ chế vận hành gắn với cải cách hành chính, cải cách tư pháp, kiểm soát quyền lực. Hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm cao trước công việc, thật sự vì dân. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ pháp luật, công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức Chính phủ, xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính và phục vụ nhân dân như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh. Quyết tâm và kiên trì trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) một cách cơ bản và có hiệu quả. Học tập một cách nghiêm túc, thiết thực tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị ngày 15-5-2016. Đó là những quan điểm và giải pháp cơ bản mà Đảng, Nhà nước và nhân dân mong muốn nhằm xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, bảo đảm xây dựng, phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

PGS, TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 4, trang 64-65.

(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 4, trang 168.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, trang 175.