Thủ tướng cũng yêu cầu không thanh tra, kiểm tra khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật; không được thanh tra, kiểm tra, kiểm toán lại những vấn đề, nội dung mà các cơ quan có thẩm quyền đã kết luận, xử lý trước đó.
Chỉ đạo nói trên của Thủ tướng Chính phủ đã đáp ứng mong đợi của các doanh nghiệp, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, chắc chắn sẽ góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của quốc gia. Hiện nay, ở hầu hết các địa phương, điều mà nhiều doanh nghiệp hay than phiền là mật độ quá dày của các cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Có doanh nghiệp than vãn trong một năm mà phải tiếp tới 45 đoàn thanh tra, kiểm tra, trong khi hoạt động của doanh nghiệp không có sai phạm gì nghiêm trọng, nộp thuế thuộc nhóm cao nhất tỉnh. Đặc biệt là nhiều đoàn bị trùng lặp nội dung thanh tra, kiểm tra, ví dụ chỉ một nội dung về môi trường mà có tới 5 đoàn đến làm việc liên tiếp. Có đoàn kiểm tra đến mà không có kế hoạch từ trước. Thử hỏi phải tiếp số lượng các đoàn thanh tra, kiểm tra như thế, doanh nghiệp còn thời gian, tâm sức đâu để lo làm ăn phát triển nữa?
Tại sao số đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán lại nhiều như thế? Lý giải việc này, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường một thành phố nọ cho rằng, do có nhiều cấp quản lý, nhiều đơn vị quản lý các khía cạnh của một lĩnh vực. Ở ngay tại sở đó có đến 5 phòng chức năng liên quan đến công tác bảo vệ môi trường. Nhìn rộng ra, để quản lý về môi trường ở cấp Trung ương, cấp tỉnh/thành phố, cấp quận/huyện, phường/xã đều có các tổng cục, cục, cơ quan, phòng ban, cán bộ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an và các địa phương. Ngoài ra, Ban quản lý khu chế xuất và khu công nghiệp cũng có lực lượng thanh tra về môi trường và hiện Bộ Công Thương cũng có bộ phận chuyên trách kiểm tra kỹ thuật an toàn về môi trường.
Chỉ một lĩnh vực liên quan đến môi trường đã nhiều cấp, đơn vị quản lý, thế rồi còn các lĩnh vực liên quan đến tài chính, thuế, phòng cháy-chữa cháy... Nếu tất cả các lĩnh vực, các cấp quản lý, các đơn vị quản lý cùng ồ ạt kéo đến doanh nghiệp thì con số hàng chục cuộc kiểm tra một năm là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Thanh tra, kiểm tra, kiểm toán là yêu cầu cần thiết, nhằm bảo đảm hoạt động của doanh nghiệp lành mạnh, đúng pháp luật, an toàn, không gây tác hại cho xã hội, tránh thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước. Tuy nhiên, hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cần được tiến hành một cách hợp lý, khoa học, tránh rườm rà, chồng chéo, phiền nhiễu, gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Trên thực tế, trong thời gian qua, tuy số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhiều, nhưng vẫn để “lọt” những vụ việc sai phạm nghiêm trọng của doanh nghiệp. Vì thế, trong thời gian tới, hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cần phải được nâng cao hiệu quả hơn nữa, tránh hiện tượng lợi dụng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để trục lợi.
QUANG HƯNG