Tình trạng này phản ánh khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và nền kinh tế đang gặp khó khăn. Muốn tăng khả năng hấp thụ vốn, cần nâng cao "sức khỏe" của doanh nghiệp và khơi thông những điểm nghẽn để dòng tiền chảy vào đúng các lĩnh vực được ưu tiên, khuyến khích.

Việc ngân hàng ứ đọng vốn cũng giống như doanh nghiệp tồn kho hàng hóa, sản xuất vẫn phải duy trì nhưng tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn. Nguyên nhân chính của tình trạng này trước hết do nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, thậm chí một số ngành, lĩnh vực đang chứng kiến sự suy giảm khi nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu giảm sút.

Có những đơn vị dù muốn được vay vốn nhưng lại không đủ điều kiện vay, ví như không có tài sản bảo đảm hay chưa xử lý xong khoản nợ trước đó. Có doanh nghiệp không thể vay vốn hay nhờ ngân hàng bảo lãnh hợp đồng khi hợp tác sản xuất với đối tác nước ngoài do chậm trả nợ. Khách hàng nằm trong nhóm nợ xấu nên dù có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi nhưng ngân hàng có muốn cũng không thể cho vay.

Lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tiếp tục dồi dào trong khi khả năng cho vay hạn chế dẫn đến nghịch lý ngân hàng đang ứ đọng vốn. Ảnh minh họa: thanhnien.vn 

Cần phải khẳng định rằng, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của hệ thống ngân hàng là bảo đảm an toàn hệ thống, giữ vững "mạch máu" vốn cho nền kinh tế. Do vậy, dù đang rất cần giải ngân vốn tín dụng thì ngân hàng cũng không thể cho vay dưới chuẩn. Để thúc đẩy cho vay, một số giải pháp đã được các ngân hàng áp dụng, trong đó có việc cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác với lãi suất ưu đãi.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cho vay, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Về phía doanh nghiệp, cần chú trọng minh bạch và nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo điều kiện để ngân hàng đẩy mạnh cho vay tín chấp. Đồng thời, cần tập trung vào lĩnh vực hoạt động cốt lõi, nhất là những lĩnh vực được ưu tiên, khuyến khích, nhằm hạn chế rủi ro, giữ vững an toàn của hệ thống ngân hàng.

Việc nguồn vốn ứ đọng cũng là cơ hội để tiếp tục giảm lãi suất, qua đó, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Giảm lãi suất sẽ giúp bơm dòng vốn giá rẻ vào nền kinh tế, kích thích hoạt động đầu tư, khởi nghiệp, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Để tăng khả năng người dân, doanh nghiệp được vay vốn, cần phát huy hơn nữa vai trò của Quỹ Bảo lãnh tín dụng, thực sự trở thành cầu nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Đặc biệt, cần quan tâm hơn nữa đến bảo lãnh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chiếm khoảng 97% tổng số lượng doanh nghiệp và có đóng góp quan trọng trong hỗ trợ giải quyết việc làm, an sinh xã hội.

Giải pháp quan trọng để gia tăng nhu cầu vay vốn là tháo gỡ điểm nghẽn cho sản xuất, kinh doanh.

ĐỖ MẠNH HƯNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.