Với cơ chế hiện tại, mục tiêu chính của DNNN là phải quản lý chặt chẽ vốn nhà nước, nhất định phải bảo toàn và phát triển vốn nhà nước. Mọi lý do giải thích cho thất bại dẫn tới thiệt hại vốn nhà nước trong bất cứ dự án nào cũng rất khó được chấp nhận. Ví dụ như hiện nay, các DNNN trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu luôn phải bảo đảm hoạt động kinh doanh, bất luận trong hoàn cảnh các doanh nghiệp tư nhân báo “hết xăng”. Điều này thể hiện vai trò điều tiết trong nền kinh tế của DNNN. Nhưng rồi hoạt động ấy được tính toán, đánh giá thế nào trong kết quả sản xuất, kinh doanh, vốn nhà nước được “bảo toàn và phát triển” thế nào lại là câu chuyện khác.
    |
 |
Mục tiêu chính của doanh nghiệp Nhà nước là phải quản lý chặt chẽ vốn nhà nước. Ảnh minh họa: vneconomy.vn
|
Ngay cả đối với các dự án mang tính chính trị cao, các dự án mang tính chiến lược quốc phòng, an ninh thì hiệu quả kinh tế vẫn là tiêu chí đánh giá chủ yếu, với các bài toán kinh tế lỗ-lãi.
Phương châm nhất quyết phải “bảo tồn và phát triển” vốn nhà nước đang khiến cho cơ chế quản lý DNNN chặt chẽ đến mức gò bó, gần như mọi chủ trương đầu tư đều phải đi “xin”, phải được phê duyệt từ chủ sở hữu, từ các cấp quản lý. Mặt được của cách quản lý này nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro trong đầu tư, hạn chế những kẽ hở mà kẻ xấu có thể lợi dụng. Thế nhưng cũng chính nó đã tạo ra sự lo lắng, khiến lãnh đạo DNNN có xu hướng lựa chọn giải pháp an toàn khi điều hành, không dám táo bạo, đột phá nhằm tránh những rủi ro pháp lý cho mình. Điều đó đã khiến nhiều cơ hội "vàng" để đầu tư trôi qua một cách đáng tiếc và DNNN khó thể hiện được rõ vai trò dẫn dắt nền kinh tế của mình.
Theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3-6-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, DNNN được xác định là “tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư”. Như thế, ngay từ lĩnh vực hoạt động, DNNN đã bị hạn chế so với các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Những gì là khó, là “xương xẩu” mà không doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nào muốn làm thì DNNN phải đảm nhận. Với những dự án đã kém hấp dẫn về hiệu quả kinh tế mà vẫn phải làm thì rất cần có mục tiêu phù hợp khi quyết định chủ trương đầu tư, trong đó tiêu chí kinh tế chỉ là một trong những tiêu chí đánh giá, không phải là tiêu chí quyết định để đánh giá hiệu quả dự án.
Trong kinh tế thị trường, không lãnh đạo doanh nghiệp nào có thể vỗ ngực nói rằng mình sẽ “trăm trận trăm thắng”, bởi vì có quá nhiều rủi ro có thể tác động, làm sai lệch những phép tính ban đầu. Thử hỏi lãnh đạo doanh nghiệp nào khi làm kế hoạch có thể dự báo được những khó khăn như dịch Covid-19, rồi xung đột vũ trang đang diễn ra ảnh hưởng tới mọi quốc gia trên thế giới? Thế nên mới có chuyện giá trị thị trường của 7 doanh nghiệp công nghệ lớn nhất nước Mỹ đã giảm tới 3.000 tỷ USD chỉ trong một năm qua.
Do vậy, khi đánh giá hiệu quả của một DNNN nên có cách nhìn toàn diện, dài hạn. Đó cũng chính là tư duy quản trị hiện đại mà hầu hết doanh nghiệp lớn trên thế giới đang áp dụng hiện nay. Họ có thể chấp nhận lỗ trong những dự án nhất định, trong một thời gian nhất định để đạt mục tiêu dài hạn. Có như vậy, lãnh đạo doanh nghiệp mới yên tâm hơn, dám nghĩ, dám làm hơn, dành tâm sức vì việc chung.
HỒ QUANG PHƯƠNG