QĐND - "Đường dây nóng" lợi hại thật nhưng tại sao gần đây hiệu quả của nó chỉ được ghi nhận và ngợi khen ở Hội An, ở Sầm Sơn? Phải chăng, những nơi khác "đường dây nóng" đã nguội? Có đấy ở nơi này nơi kia mà cũng không có ở chỗ này chỗ khác.

Ở Sầm Sơn, "đường dây nóng" có từ hè năm trước (2013) và lập tức cho thấy hiệu quả. Thực tình, tôi cùng nhiều người đã lo liệu hiệu quả của nó có được lâu dài hay như nhiều việc chỉ diễn ra hình thức, theo phong trào rồi nguội dần cùng thời gian. Năm nay, ngay đầu mùa du lịch biển, "tiếng lành" ở đây đã được ghi nhận và vang xa. Giữa mùa, tôi có dịp qua, quả thực giữa lúc đông đúc, nhộn nhịp nhất, tác dụng của nó càng rõ. Đường phố, bãi biển trật tự, phong quang khá sạch sẽ. Khách không thấy eo xèo ca thán còn những người chủ của thị xã biển thì mừng, an tâm. Không có kinh doanh chui lủi, chộp giật, những người buôn bán, kinh doanh có đăng ký, nộp thuế đầy đủ, có môi trường hoạt động đàng hoàng. Nhà nào ép khách phải ăn uống ở nơi trọ, một cú phôn là bị phạt. Xe ô tô điện lấy quá giá, hàng họ chặt chém cũng vậy.

 Ảnh minh hoạ.

Tại sao Sầm Sơn duy trì, phát huy được tác dụng của "đường dây nóng" trong khi nhiều nơi khác thì không? Chẳng so sánh đâu xa, ngay cái ngõ nhà tôi ở Hà Nội tình trạng buôn bán lộn xộn, mất trật tự, chuyện cãi cọ nhau, vi phạm giao thông, tệ nạn nghiện hút luôn diễn ra nhưng chẳng mấy khi "đường dây nóng" có hiệu quả. Vì gần nhiều bệnh viện khu vực Bạch Mai, lại mấy trường tiểu học, trung học, mẫu giáo nên cửa hàng đủ loại từ thuốc men, dụng cụ y tế đến chợ tạm, chợ cóc và hàng cơm bún cháo phở mọc ra chen chúc tràn cả ra hè, ra đường ngõ hẹp. Cảnh sát, đội trật tự hoạt động suốt từ sáng sớm đến chiều tối nhưng hễ họ cứ đi qua là mọi hàng quán lại ùa ra, tranh giành nhau chỗ bán hàng, lôi kéo khách, ngõ phố lộn xộn, ách tắc giao thông.

"Chẳng có đủ lực lượng mà suốt ngày canh chừng, mà dẹp". Nhà chức trách ở phường nói vậy và điều này là đúng nhưng thực tế ở đây chưa thấy dẹp thật, phạt thật, phạt nặng như ở Hội An, Sầm Sơn đã làm. Gọi "đường dây nóng" không có người giải quyết thì cũng bằng không. Mặt khác, người đông, khách nhiều, nhu cầu lớn đã có các phương án mở đường, dọn chợ, siết chặt việc quản lý hàng quán song đã nhiều năm trôi qua tất cả vẫn trên "kế hoạch". Một trong những lý do chưa triển khai được chính là sự chưa đồng lòng của người dân sở tại. Họ vẫn thích mua bán gần nhà.

Tại các bệnh viện nằm trên địa bàn, tình trạng vô hiệu hóa "đường dây nóng" cũng sớm diễn ra. Đơn giản, khi người có trách nhiệm xuất hiện thì "cò bệnh viện" cũng đã lẩn mất. Ở các lễ hội đông đúc như lễ hội chùa Hương cũng vậy.

Ở Hội An, Sầm Sơn thì sao? Năm nào cũng họp dân, dân thông vì chính lợi ích lâu dài, cơ bản của mình nên đồng tình ủng hộ. Đồng thời, lực lượng quản lý, các đội trật tự luôn có mặt kịp thời và xử lý nghiêm.

Phối hợp với các lực lượng này là các đội thanh niên tình nguyện, các nhà trường vừa làm gương giữ gìn trật tự, vệ sinh, vừa chủ động vận động thanh thiếu niên chấp hành quy định chung.

Đương nhiên ở các đô thị lớn, các bến xe, bệnh viện luôn đông người, quá tải, không dễ quản, dễ giải quyết, xử lý mọi việc, song thực tế cho thấy khi những cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực sự vào cuộc, những vi phạm và tội phạm đều giảm hẳn. Tiếc là những hoạt động ấy không trở thành thường xuyên.

Ngoài "đường dây nóng", bây giờ chúng ta đã có thêm nhiều loại phương tiện kỹ thuật để phục vụ công tác quản lý an ninh, an toàn, trật tự như ca-mê-ra giao thông, ca-mê-ra ở các tụ điểm đông người, bến bãi, khu dân cư..., thiết bị giám sát hành trình ô tô vận tải (hộp đen) cùng các website của các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Mọi phương tiện kỹ thuật đều có công dụng, chức năng riêng và cũng đều có thể bị những "bàn tay đen kỹ thuật" vô hiệu hóa như thủ đoạn dùng máy phá sóng "hộp đen". Nhưng điều đáng lo nhất tạo nên sự vô hiệu hóa các phương tiện, phương thức quản lý, kết nối xã hội chính là thiếu sự phối hợp đồng bộ và sao nhãng trách nhiệm của các lực lượng, phương thức quản lý.

Bản chất của mọi phương thức, phương tiện quản lý xã hội là nhằm tăng cường sự kết nối để tăng điều kiện làm chủ của người dân nhưng nòng cốt của mọi hoạt động đó vẫn luôn là các cơ quan, đơn vị, lực lượng quản lý. Người có trách nhiệm, lực lượng nòng cốt còn yếu hoặc lơ là thì "đường dây nóng" thành "nguội".

 

 

NGUYỄN MẠNH