Mới đây, trong một chương trình truyền hình thực tế, một cô gái xinh xắn trẻ tuổi khi gặp phải câu hỏi: "Bút danh nhà thơ Sóng Hồng là của ai trong số bốn người sau đây?", đã vò đầu bứt tai, không dám đưa ra câu trả lời. Sau khi quyết định bỏ đi hai phương án, còn lại hai người là Võ Nguyên Giáp và Trường Chinh, cô gái vẫn quyết... không biết là ai, đành phải viện thêm một sự trợ giúp nữa là hỏi ý kiến khán giả. Mặc dù đa số khán giả trong khán phòng trả lời đúng là Trường Chinh, nhưng điều đáng nói hơn là khoảng một phần ba số người tư vấn cho cô gái rằng đó là Võ Nguyên Giáp!
Bó tay!
Không dám suy diễn ra ở mức độ "vĩ mô", nhưng chỉ cần một câu hỏi trắc nghiệm đơn giản như thế mà tỷ lệ người "không biết" chiếm tới gần một phần ba số khán giả trong khán phòng của một trò chơi truyền hình, cho thấy mức độ thu nạp kiến thức của một bộ phận người Việt, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi, đã đạt mức báo động... đỏ!
Câu hỏi đặt ra là vì sao trong thời buổi công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, khi người ta chỉ lo thừa hơn là lo thiếu thông tin trên mạng toàn cầu, mà vẫn còn tồn tại những "vùng trắng" tri thức, những lỗ hổng đáng kinh ngạc về kiến thức, kiểu như "tác giả Nguyễn Khắc Hiếu là người đã dày công sưu tầm các tác phẩm của nhà thơ Tản Đà"(!)
Internet, rồi "bác Gúc" (tức trang mạng tìm kiếm Google), những đại diện của cuộc cách mạng công nghệ đã sản sinh ra cả một thế hệ "cúi đầu", những người lúc nào cũng cúi đầu chăm chú nhìn vào màn hình. Không biết cái gì thì chỉ cần hỏi "bác Gúc" bằng một cú chạm màn hình là ra! Nhưng ít người hiểu sâu xa một điều rằng, những cái tưởng là kiến thức ấy bỗng dưng biến mất khi máy hết pin, khi mất điện hoặc đơn giản như cô gái nọ trên truyền hình, không được phép sử dụng máy vi tính để hỏi "bác Gúc" nữa! Những kiến thức thậm chí cực kỳ sơ đẳng cũng biến mất như một làn hơi trong nắng ấm, bởi vì đấy là những thứ đi vay mượn.
Và như thế, người ta lại phải quay về một trong những kỹ năng quan trọng bậc nhất trong đời sống con người: Đọc sách.
Bởi chỉ có đọc, một cách kiên trì, có phương pháp, đọc một cách thông minh, thì con người mới có thể tự trang bị cho mình những kiến thức sâu rộng và bền bỉ, khắc vào những nếp nhăn của vỏ não. Không cứ phải đọc sách giấy. Khi mà cuộc cách mạng công nghệ đã lan tới mọi ngõ ngách trên địa cầu này thì đọc sách điện tử cũng là lựa chọn của nhiều người. Nhiều thế kỷ trước, khi Gút-ten-bớt (J.Gutenberg) phát minh ra chiếc máy in để có thể cùng lúc in ra nhiều ấn phẩm thay cho những bản sách viết tay hiếm hoi (và dẫn tới sự độc quyền về thông tin), vấn đề chỉ là thời gian để con người đi tới internet như ngày nay.
Công nghệ thay đổi, nhưng có duy nhất một thứ không hề thay đổi: Đó là thao tác đọc sách.
Nước ta trước đây có một hệ thống dày đặc các thư viện ở các địa phương, các ngành, các cơ sở nghiên cứu khoa học, cung cấp cho những người ham đọc sách một lượng khổng lồ kiến thức qua những cuốn sách. Cơ chế thị trường cùng với sự phát triển của các thiết bị điện tử cầm tay đã dần khiến cho hệ thống thư viện đó dần mai một, không còn như xưa nữa.
Rất may là giờ đây, người ta có nhiều chọn lựa hơn. Việc mua một cuốn sách giấy hay tải một bản sách điện tử lên thiết bị đọc sách trở nên dễ dàng. Điều quan trọng là phải nuôi dưỡng được niềm đam mê, thú vui đọc sách, mà muốn vậy, điều cốt yếu là phải có những tác phẩm, những cuốn sách đủ "lực hấp dẫn" để hút người đọc không rời khỏi trang sách. Thế nên, thế giới rất cần những Râu-linh (J.K.Rowling) với chú bé tóc đen Ha-ri Pót-tơ (Harry Potter) làm người đọc mê mẩn với thế giới phù thủy của chú; hay Việt Nam cũng cần những Nguyễn Nhật Ánh có thể khiến bao bạn trẻ khóc, cười theo những trang sách, những nhân vật trong trẻo của ông...
Đọc những bài văn của học sinh nói Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai người khác nhau, thoạt tiên có thể cười đấy, rồi lại thấy buồn; nhưng nghe tin Hội sách TP Hồ Chí Minh, trong một tuần lễ ở công viên Lê Văn Tám mà doanh thu tới 50 tỷ đồng, lại thấy có cơ sở để mà lạc quan về thói quen đọc sách của người Việt.
Nhà báo Pháp Giăng Phi-líp đơ Tô-nắc (Jean-Philippe de Tonnac) đã từng kiêu hãnh đặt tên cho cuộc tọa đàm mà ông dẫn về thói quen đọc sách là "Đừng mơ từ bỏ sách giấy". Chúng ta có thể tựa vào một niềm tin rằng "Đừng mơ từ bỏ thói quen đọc sách", để xã hội Việt Nam sẽ là một xã hội tri thức và đời sống tinh thần của người Việt sẽ giàu có lên biết bao nhiêu, nhờ những trang sách.
YÊN BA