Tôi còn chưa kịp hiểu hết ý câu nói, người bạn làm trong ngành du lịch đã nhanh chóng giải thích: “Cậu ngẫm xem, 62 năm qua (9-7-1960 / 9-7-2022), đây có phải là năm đầu tiên và duy nhất du lịch Việt Nam chứng kiến trạng thái đảo chiều “lạnh”-“nóng” chỉ trong vòng vài tháng không? Tôi thấy ngành du lịch thậm chí đã thay đổi hoàn toàn so với trước dịch Covid-19.
Đầu năm du lịch "đóng băng". Còn hiện tại là sự bùng nổ mạnh mẽ. Lượng khách nội địa có thời điểm còn cao hơn cả trước dịch. Quan điểm của khách cũng khác trước. Nhiều du khách cho rằng, giá cả vẫn là một yếu tố quan trọng. Có điều họ xác định “tiền nào của nấy” nên sẵn sàng trả chi phí cao cho những dịch vụ cao cấp, tương xứng với đồng tiền bỏ ra... Ấy vậy mà khi khách đi nhiều, chịu chi thì nhiều đơn vị du lịch, lữ hành lại buộc phải từ chối nhận khách”.
 |
Hướng dẫn viên du lịch giới thiệu với du khách nước ngoài tham quan khu vực Hoàng thành Huế. Ảnh: TTXVN |
Có nghịch lý này là vì sau dịch, nhiều doanh nghiệp du lịch không đủ nhân lực bảo đảm dịch vụ. Nhân sự du lịch vốn đã thiếu nay càng kiệt quệ. Nhiều người nghỉ việc, chuyển sang làm công việc khác chưa quay trở lại. Nhiều người kỹ năng chuyên môn bị rơi rụng, thậm chí thiếu hụt, nhất là ở những vị trí đòi hỏi trình độ, kỹ năng trung, cao cấp. Đã có tình trạng “cạnh tranh không sòng phẳng” để tranh giành nhân sự giỏi.
Một giám đốc doanh nghiệp du lịch mà tôi biết từng đau đầu với việc giữ người trước dịch Covid-19. Trong dịch anh cũng vẫn cố gắng duy trì mức lương nhất định trả cho những nhân sự quan trọng với hy vọng “hết mưa trời lại nắng”. Thế nhưng sau khi mở lại các hoạt động du lịch, đối thủ dùng mức lương, chế độ đãi ngộ hấp dẫn hơn hẳn để thu hút. Người lao động của doanh nghiệp này nhấp nhổm không yên. Dù đã mất công sức, chi phí đào tạo rồi giữ chân, nhưng đang lúc cao điểm đón khách, anh đành ngậm ngùi để người lao động đi vì không thể “cạnh tranh” với đối thủ.
Thiếu người làm được việc đang là trở ngại lớn nhất đối với công ty du lịch của bạn tôi, và dường như cũng đang là cản trở lớn của ngành du lịch trên quá trình phục hồi sau đại dịch. Thiên nhiên có kỳ vĩ, hoang sơ, văn hóa có giàu đẹp, hạ tầng cơ sở có tốt đến mấy mà dịch vụ không có người làm chỉn chu thì sẽ mất cảm tình của du khách. Món ăn ngon bao nhiêu mà không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, làm qua quít, phục vụ chậm... rồi khách cũng mất kiên nhẫn. Kể cả du lịch muốn chuyển đổi số, du lịch thông minh mà chỉ dựa vào yếu tố kỹ thuật thì cũng không thành công...
Nhìn rộng hơn về mục tiêu phát triển bền vững của du lịch cũng vậy. Con người là linh hồn của mọi hoạt động. Nếu không có những hoạch định lâu dài về nhân lực, không có những con người làm du lịch chăm chút cho mục tiêu bền vững thì du lịch Việt vẫn mãi ở tình trạng thủng tới đâu vá víu tới đó. “Gót chân A-sin” này có thể khiến ngành du lịch mất đi những thành quả đã đạt được.
Cạnh tranh trong ngành du lịch thế giới ngày càng khốc liệt, đòi hỏi sự thích ứng và sáng tạo không ngừng nghỉ. Do đó, du lịch Việt muốn phát triển, trước tiên cần có nguồn nhân lực thực sự bền vững với những giải pháp cả căn cơ và chiến lược lâu dài.
HIỀN VINH