Mô hình gồm trang bị máy bấm số tự động và máy tính tại bộ phận một cửa giúp người dân tiện tra cứu, thực hiện dịch vụ công trực tuyến; lắp đặt camera tại các tuyến đường trọng điểm, địa bàn phức tạp về an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; lắp đặt đường truyền internet, thiết bị phát wifi tại hội trường 37 thôn; tặng tiểu thương bảng mica gắn mã QR phục vụ thanh toán điện tử; đoàn viên, thanh niên “tới từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” tuyên truyền chuyển đổi số, giúp người dân cài đặt, sử dụng các app dịch vụ công, phổ biến cách phòng tránh bị lừa đảo qua internet.
Chuyển đổi số được Lâm Đồng triển khai đều khắp ở các ngành, lĩnh vực bằng nhiều mô hình sinh động. Tuy nhiên, mô hình dân vận khéo "Chuyển đổi số-vì nhân dân phục vụ" thực sự mang lại hiệu quả thiết thực đối với người dân Lâm Đồng, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 |
Ki-ốt dịch vụ công tự động trong mô hình dân vận khéo "Chuyển đổi số-Vì nhân dân phục vụ" tại Lâm Đồng.
|
Ở nước ta, chuyển đổi số đã trở thành mục tiêu quốc gia và đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, thực tế tại nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới lại gặp rất nhiều rào cản, thách thức. Người dân ở những địa bàn này, chuyển đổi số vẫn là khái niệm mới mẻ, lạ lẫm. Nguyên nhân được chỉ ra là do trình độ nhận thức, sức ỳ của thói quen, khả năng tiếp cận các phương tiện, công nghệ về chuyển đổi số của người dân còn hạn chế; công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn chuyển đổi số chưa phù hợp, còn nặng tính sách vở, chung chung, hô khẩu hiệu.
Nhân Ngày chuyển đổi số quốc gia 10-10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ về chuyển đổi số là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực.
Quan điểm trên gắn với xây dựng công dân số, nâng cao nhận thức và năng lực để thích ứng môi trường số. Để giải quyết vấn đề này, công tác dân vận gắn với các mô hình sáng tạo, đổi mới ở cơ sở vô cùng quan trọng, nhất là khâu tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân, áp dụng các mô hình đòi hỏi dân vận không chỉ khéo mà còn phải đổi mới, phù hợp đặc điểm, tình hình dân cư, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, phù hợp yêu cầu của thời đại số. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, vận động nhân dân, cần gắn liền với hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả. Để thực hiện tốt chiến lược chuyển đổi số quốc gia, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị, sự đồng hành của doanh nghiệp, người dân thì rất cần những cách làm sáng tạo, cụ thể và mô hình dân vận khéo “Chuyển đổi số-vì nhân dân phục vụ” tại Lâm Đồng chính là một ví dụ hay cần tham khảo. Bởi nó không chỉ đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số ở cơ sở một cách kịp thời, thiết thực mà còn góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay.
VŨ ĐÌNH ĐÔNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.